Trong lĩnh vực nghệ thuật, việc ký tên lên tranh sao chép đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi liên quan đến quyền nhân thân của tác giả. Quyền nhân thân không chỉ bao gồm quyền được công nhận là tác giả của tác phẩm mà còn liên quan đến sự bảo vệ danh dự và uy tín của người sáng tạo. Khi một cá nhân ký tên lên một bức tranh không phải do họ sáng tác, liệu hành động này có vi phạm quyền nhân thân của tác giả ban đầu hay không? Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Quy định của pháp luật về ký tên lên tác phẩm tranh vẽ?

Tác phẩm tranh vẽ là một trong những loại hình tác phẩm được tạo nên từ các đường nét, màu sắc, hình khối và bố cục. Chính vì vậy tác phẩm tranh vẽ được xếp vào loại tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng và được pháp luật bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Do đó, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có các quyền nhân thân (Điều 19) và quyền tài sản (Điều 20) theo quy định của Luật này.

Theo khoản 2 Điều 19 quy định như sau: Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng. Theo đó, có thể hiểu việc ký tên lên tác phẩm là việc đánh dấu sự sở hữu của tác giả lên tác phẩm do mình sáng tạo ra, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc không xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Ký tên lên tranh sao chép có xâm phạm quyền nhân thân của tác giả?

2. Ký tên lên tranh sao chép có xâm phạm quyền nhân thân của tác giả?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 19, luật sở hữu trí tuệ chỉ quy định rằng “tên của tác giả phải được thể hiện trên tác phẩm”. Điều này cho thấy rằng luật không đề cập đến khả năng chống gây nhầm lẫn về tư cách tác giả, cũng như không quy định quyền ngăn cấm bên thứ ba ghi tên hoặc ký tên lên tác phẩm.

Về đối tượng bảo vệ, luật chỉ nêu rõ tên thật và bút danh của tác giả, mà không nhắc đến chữ ký. Mặc dù chữ ký có thể là một dấu hiệu quan trọng để xác minh tư cách của tác giả, việc không đề cập đến nó có thể dẫn đến hiểu rằng tác giả không có quyền can thiệp khi bản gốc và bản sao chép tác phẩm không thể hiện chữ ký của mình. Đồng thời, điều này cũng ngụ ý rằng tác giả không có quyền ngăn cấm bên thứ ba ký tên lên tác phẩm của mình. Vì vậy, sự thiếu sót trong các quy định liên quan đến chữ ký và quyền ngăn cấm bên thứ ba có thể tạo ra những lỗ hổng trong việc bảo vệ quyền lợi của tác giả, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến việc ký tên và tính toàn vẹn của tác phẩm..

Theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ thì tác giả có quyền ký tên lên tác phẩm của mình, nhưng nếu tác giả không thực hiện việc ký tên và sau đó bán bản gốc tác phẩm, thì họ không còn quyền yêu cầu chữ ký của mình phải được thể hiện trên bản gốc đã bán. Hơn nữa, khi bên thứ ba tạo ra bản sao hợp pháp của tác phẩm, tác giả cũng không có quyền yêu cầu chữ ký của mình phải được hiển thị trên các bản sao đó.

Theo điều 6bis của công ước Berne thì tác giả có quyền yêu cầu công nhận tư cách tác giả của tác phẩm, việc đứng tên trên tác phẩm và nêu tên khi tác phẩm được sử dụng là một hình thức thể hiện hoặc công nhận tư cách của tác giả điển hình là ký tên hoặc đóng dấu trên tác phẩm. Hơn thế nữa, xét về mặt chủ động, công ước Berne quy định tác giả có quyền đặt bất kỳ thông tin hay dấu hiệu nào len trên tác phẩm cho phép xác định mình là tác giả còn  xét về mặt bị động, tác giả có quyền yêu cầu gỡ bỏ hoặc đính chính các thông tin gây nhầm lẫn về tư cách tác giả của mình.

Đối chiếu theo khoản 4 Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định: Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả và theo quy định tại khoản 1 Điều 7 quy định: Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này, do đó có thể thấy rằng “yếu tố gây phương hại” là một điều kiện bắt buộc để xác định hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Ngoài ra ngoài việc xâm phạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm thì hành vi ký tên lên tranh hoặc xóa bỏ chữ ký của tác giả buộc phải có hậu quả là có thể gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Tóm lại, hành vi ký tên lên tranh hoặc xóa bỏ chữ ký của tác giả khó có thể được xem là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thực tế cho thấy, hành vi mạo danh tác giả thường ít xảy ra hơn so với việc sao chép tranh và tạo chữ ký giả để lừa đảo khách hàng, khiến họ tin rằng đó là “bản gốc” của một họa sĩ nổi tiếng. Bên cạnh đó, việc ký tên lên bản sao chép tác phẩm của một nghệ sĩ khác cũng là tình huống tương đối hiếm gặp.

Trên đây là bài viết “Ký tên lên tranh sao chép có xâm phạm quyền nhân thân của tác giả?

mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,