Việc làm nhạc chế từ lâu đã được công chúng biết đến và đón nhận thông qua các tiểu phẩm hài, các video ca nhạc vui nhộn. Việc chế lời này tồn tại trong đời sống xã hội như một dạng văn nghệ dân gian, giống như chuyện tiếu lâm, chủ yếu là truyền khẩu, giúp mọi người giải trí vui vẻ. Tuy nhiên, dưới góc độ sở hữu trí tuệ, các ca khúc được chế lời hát lại và đăng tải trên các trang mạng xã hội liệu có phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả?
1. Nhạc chế là gì và trào lưu chế nhạc hiện nay
Nhạc chế là những ca khúc được viết lại một phần hoặc toàn bộ lời bài hát trên phần nhạc (giai điệu) của tác phẩm âm nhạc gốc.
Nhạc chế và trào lưu chế nhạc đã xuất hiện từ lâu, không chỉ ở trên mạng xã hội mà còn trên cả sóng truyền hình. Nhạc chế thường được sử dụng như những điểm nhấn, điểm gây cười trong các tiểu phẩm hài trên truyền hình, và cũng thường được sử dụng như một loại hình giải trí thu hút người xem, tạo tiếng cười cho cộng đồng. Những bản nhạc chế vui nhộn được rất nhiều người đón nhận và lan truyền nhanh qua internet, thậm chí hình thành nên phong trào và có những nhóm người vì chuyên làm và quay video nhạc chế mà nổi tiếng. Đặc biệt, có những bản nhạc chế trở nên thịnh hành và nổi tiếng hơn cả tác phẩm âm nhạc gốc.
Bên cạnh đó, việc những video nhạc chế được lan truyền, có nhiều người xem cũng đem lại khoản lợi không nhỏ cho người chế nhạc, tuy nhiên tác giả lại không nhận được phần tiền bản quyền tương ứng. Cụ thể, theo chính sách của Youtube, nếu kênh có từ 10.000 lượt theo dõi trở lên, thì với 1.000 lượt xem, chủ kênh sẽ được trả 2-3 USD (ở Mỹ hoặc châu Âu), hoặc 0,3 – 0,5 USD (ở Việt Nam). Không chỉ vậy, các chủ kênh còn thu lợi nhuận từ việc quảng cáo qua hình thức Tiếp thị liên kết, tức là chèn liên kết đến sản phẩm, dịch vụ của một công ty nào đó lên video hoặc phần mô tả kênh của mình, hoặc có thể trực tiếp ký kết hợp đồng quảng cáo với doanh nghiệp để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong các video.
Phần lớn mọi người cho rằng nhạc chế chỉ là những sản phẩm mang lại những niềm vui, sự thư giãn, tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần phải bàn luận dưới góc độ quyền tác giả.
2. Làm nhạc chế có xâm phạm quyền tác giả không ?
Tác phẩm âm nhạc là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả (theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ). Trong đó, một trong những quyền nhân thân của tác giả tác phẩm âm nhạc là được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (Điều 19 Khoản 4 Luật sở hữu trí tuệ). Như vậy, việc sửa đổi, thay lời bài hát, tạo ra các tác phẩm nhạc chế mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 31/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng3 và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
Mặt khác, việc chế lời mới cho tác phẩm âm nhạc là hành động làm tác phẩm phái sinh. Quyền làm tác phẩm phái sinh cũng là một trong các quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 20 Khoản 1 Điểm a Luật Sở hữu trí tuệ).
Do đó, khi làm nhạc chế, thực hiện sửa chữa hoặc viết lời mới cho tác phẩm âm nhạc, người thực hiện phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 20 Khoản 2 Luật Sở hữu trí tuệ).
Như vậy, mọi hành vi sửa chữa, viết lại lời bài hát để làm nhạc chế đều là hành vi xâm phạm quyền tác giả nếu như không được sự cho phép của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Khi có nhu cầu viết lại lời bài hát thì các tổ chức, cá nhân nên liên hệ với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả để xin phép và trả khoản tiền nhuận bút, thù lao tương xứng cho họ.
Trên đây là bài viết “Làm nhạc chế có xâm phạm quyền tác giả không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,