1. Livestream như thế nào được coi là xâm phạm quyền tác giả ?

Livestream (hay còn gọi là phát trực tiếp) là quá trình phát video trực tiếp trong thời gian thực đến khán giả trên mạng internet mà không cần ghi lại hoặc lưu trữ trước. Chỉ cần sử dụng các loại điện thoại thông minh được kết nối internet, thông qua các nền tảng công nghệ như Facebook, Youtube,…người dùng có thể tự livestream, chia sẻ cho công chúng những gì đang xảy ra ở thời điềm hiện tại. Mặc dù công nghệ livestream đem lại rất nhiều lợi ích cho mọi người, song lại tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra xâm phạm bản quyền. Có nhiều trường hợp người livestream không để ý, vô tình đã sử dụng những đoạn nhạc, hình ảnh, video của người khác trong khi thực hiện livestream. Cũng có những trường hợp khác, người livestream cố ý sử dụng những đoạn nhạc, hình ảnh, video của người khác để thu hút người xem mặc dù không có sự cho phép của chủ sở hữu những âm thanh, hình ảnh, video đó. Hành vi nêu trên, dù là cố ý hay vô tình đều được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, một trong những quyền tài sản thuộc quyền tác giả là quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn (Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ). Việc các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng quyền phát sóng và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả. Hành vi livestream mà sử dụng tác phẩm của người khác mà không được sự cho phép và không trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi trái với quy định của pháp luật, xâm phạm quyền phát sóng và truyền đạt đến công chúng tác phẩm.Bên cạnh đó, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ đã nêu rõ hành vi xâm phạm quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Từ những quy định trên, có thể khẳng định rằng hành vi livestream có sử dụng âm nhạc, hình ảnh của người khác mà không được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cho phép, không trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả được coi là hành vi xâm phạm bản quyền.

2. Hành vi livestream xâm phạm quyền tác giả sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, việc livestream xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử phạt hành chính như sau:

  • Hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm (Điều 11): Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định; Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
  • Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng (Điều 17):  Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định; Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.
  • Hành vi xâm phạm quyền định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của người biểu diễn (Điều 23): Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi định hình cuộc biểu diễn trực tiếp trên bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn; Buộc dỡ bỏ bản sao cuộc biểu diễn vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
  • Hành vi xâm phạm quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình (Điều 25): Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng; Buộc dỡ bỏ bản sao cuộc biểu diễn vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm.
  • Hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng (Điều 31): Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản sao chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng; Buộc dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Trên đây là bài viết “Livestream có sử dụng âm nhạc, hình ảnh của người khác có được coi là xâm phạm bản quyền?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,