Logo được xem là phương tiện gợi nhớ hay dấu ấn của từng doanh nghiệp trong tâm trí người tiêu dùng. Muốn bảo vệ thương hiệu của mình tốt hơn, người chủ doanh nghiệp thường đi đăng ký bảo hộ logo của mình. Vậy, để được bảo hộ quyền tác giả, logo được đăng ký dưới loại hình tác phẩm gì?
1. Định nghĩa Logo
Logo (viết tắt của từ Logotype) hay biểu tượng thương hiệu, là một thiết kế đồ họa, ký hiệu, hoặc biểu tượng (icon) cho một thương hiệu hoặc nhãn hiệu cụ thể nào đó. Đó là một sản phẩm thiết kế trực quan và được cấu thành bởi hình hoặc chữ, đôi khi bao gồm cả chữ và hình. Nhìn chung, logo được xem là một dấu ấn nhận diện của mỗi doanh nghiệp.
Logo không đơn thuần là biểu tượng của một doanh nghiệp mà còn ẩn chứa những thông điệp mà họ muốn chia sẻ đến người dùng. Mỗi logo đều là sự hoà trộn của các bản sắc khác nhau làm nền tảng cho sự phát triển và ghi dấu ấn với mọi người. Logo đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện thương hiệu, nó thường được dùng để gây ấn tượng với người tiêu dùng qua thị giác, giúp phân biệt doanh nghiệp giữa hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác.
2. Logo thuộc loại hình tác phẩm nào ?
Từ những đặc điểm của logo, có thể thấy logo hoàn toàn phù hợp với định nghĩa tại Khoản 8 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP: “tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm.”
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là một trong số các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Điểm g Khoản 1 Điều 14 Luật SHTT:
“1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;”
Để Logo được bảo hộ dưới dạng một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, cần đáp ứng hai điều kiện sau:
- Tác phẩm phải do chính tác giả tạo ra bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.;
- Tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức nhất định.
Thời hạn bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.
Trên đây là bài viết “Logo thuộc loại hình tác phẩm nào được bảo hộ quyền tác giả?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,