Tài sản trí tuệ là một trong những nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp. Do đó, khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng tài sản trí tuệ, doanh nghiệp phải hết sức cẩn trọng để hạn chế các rủi ro pháp lý, tránh các thiệt hại, tranh chấp không đáng có và đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Quyền tác giả là một trong những tài sản trí tuệ đặc biệt của doanh nghiệp, gắn liền với quyền nhân thân, quyền tài của tác giả, chủ sở hữu. Vậy khi ký kết, thực hiện việc chuyển nhượng quyền tác giả, doanh nghiệp cần phải lưu ý những gì để đảm bảo được tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp ? Hãy cùng Bản Quyền Việt Nam tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Chuyển nhượng quyền tác giả là gì ?

Chuyển nhượng quyền tác giả với tác phẩm là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là các quyền sau đây: quyền công bố tác phẩm; quyền sao chép tác phẩm; quyền làm tác phẩm phái sinh; quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng; quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao đối với tác phẩm điện ảnh và chương trình máy tính,..

Do đó, khi doanh nghiệp muốn chuyển nhượng quyền tác giả bất kỳ tác phẩm nào thì doanh nghiệp phải đảm bảo là chủ sở hữu quyền tác giả hợp pháp của tác phẩm.

2. Lưu ý cho Doanh nghiệp khi chuyển nhượng quyền tác giả

Thứ nhất, trường hợp tác phẩm chuyển nhượng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thỏa thuận, đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu, trừ khi một hoặc một số đồng chủ sở hữu chuyển nhượng phần riêng biệt, có thể tách ra sử dụng độc lập. Như vậy, trong trường hợp Doanh nghiệp muốn chuyển nhượng quyền tác giả với tác phẩm thì cần xin ý kiến, đồng ý của các đồng chủ sở hữu (nếu có), tránh trường hợp tự mình chuyển nhượng thì lúc này hợp đồng chuyển nhượng có thể sẽ bị vô hiệu, như vậy mục đích của việc chuyển nhượng sẽ không đạt được.

Thứ hai, doanh nghiệp chuyển nhượng quyền tác giả cần xem xét kỹ về năng lực chủ thể của bên nhận chuyển nhượng. Đối với cá nhân cần kiểm tra năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Đối với pháp nhân, doanh nghiệp cần kiểm tra năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân có đáp ứng đầy đủ điều kiện về năng lực chủ thể hay không? Trường hợp cá nhân, pháp nhân nhận chuyển nhượng không đáp ứng năng lực chủ thể , không đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ sẽ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của doanh nghiệp chuyển nhượng quyền tác giả.

Thứ ba, Hiện nay, pháp luật quy định hình thức của Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả phải bằng văn bản nên trường hợp Doanh nghiệp chuyển nhượng quyền tác giả thì cần phải lập thành văn bản, đây được coi là một trong những điều kiện để hợp đồng chuyển nhượng phát sinh hiệu lực.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 thì Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả với tác phẩm cần phải có các nội dung sau:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
  • Căn cứ chuyển nhượng;
  • Giá, phương thức thanh toán;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Ngoài các nội dung trên, Doanh nghiệp có thể xác định và thỏa thuận về các điều khoản liên quan tới cách thức giải quyết khi phát sinh tranh chấp, hướng xử lý trong trường hợp bất khả kháng. Việc quy định các điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng càng chi tiết thì quyền lợi của Doanh nghiệp càng được đảm bảo.

Thứ tư, doanh nghiệp cần có sự phân biệt giữa chuyển nhượng quyền và chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả.

Chuyển nhượng quyền tác giả thì sẽ làm chấm dứt hoàn toàn quyền sở hữu (bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) quyền tác giả của tác giả và sau đó chủ sở hữu quyền tác giả sẽ không còn các quyền tác giả mà trước đó mà pháp luật quy định.

Còn đối với việc chuyển giao quyền sử dụng lại có nội dung khác biệt, cụ thể việc chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả được coi như một dạng hợp đồng cho thuê giữa chủ sở hữu quyền tác giả với chủ thể nhận chuyển giao, theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ chỉ cho chủ thể nhận chuyển giao được sử dụng quyền tác giả trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó, nếu như khoảng thời gian đó kết thúc, quyền tác giả của chủ thể nhận chuyển quyền cũng sẽ chấm dứt và quyền tác giả sẽ tự động trở về với chủ thể sở hữu quyền tác giả ban đầu.

Trên đây là bài viết Lưu ý doanh nghiệp khi chuyển nhượng quyền tác giả”.Chúng tôi hy vọng bài viết này cung cấp cho bạn và doanh nghiệp những thông tin hữu ích.

Trân trọng,