Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả là loại hợp đồng mà các bên thỏa thuận chủ sở hữu quyền tác giả sẽ chuyển giao một, một số quyền nhân thân, quyền tài sản của mình cho bên được chuyển nhượng (các tổ chức, cá nhân). Khi soạn thảo các điều khoản trong loại hợp đồng này, các bên cần lưu ý một số nội dung nhất định nhằm phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra giữa các bên. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những nội dung cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng này.

1. Các quyền mà chủ sở hữu quyền tác giả được phép chuyển giao

Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền chuyển giao quyền sở hữu của mình cho các cá nhân, tổ chức bất kỳ. Tuy nhiên, pháp luật giới hạn các quyền mà chủ sở hữu được quyền chuyển giao, theo đó chủ sở hữu chỉ được chuyển giao quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm (thuộc quyền nhân thân). Quyền tài sản bao gồm các quyền sau:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Những nội dung cần được quy định trong hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả

Thứ nhất, về nội dung hợp đồng. Về mặt bản chất, hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả cũng là một loại hợp đồng dân sự và các bên có thể tự do thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác và chặt chẽ của thỏa thuận, các bên cần quy định đầy đủ những nội dung sau:

  • Thông tin của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Trường hợp một hoặc các bên là cá nhân, cần có thông tin về tên, căn cước công dân, địa chỉ liên hệ, phương thức liên hệ. Trường hợp một hoặc các bên là doanh nghiệp, cần có thông tin về tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở, mã số doanh nghiệp, phương thức liên hệ, người đại diện theo pháp luật (hoặc người đại diện theo ủy quyền) giao kết hợp đồng.
  • Đối tượng hợp đồng: Các bên cần ghi rõ thông tin về tác phẩm được chuyển nhượng, thời gian chuyển nhượng, phạm vi chuyển nhượng.
  • Giá, phương thức thanh toán: Giá sẽ do các bên tự thỏa thuận, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tác giả tác phẩm, nội dung tác phẩm, giá trị tác phẩm, thị hiếu khách hàng,… Phương thức thanh toán là cách thức bên nhận chuyển nhượng thanh toán cho bên chuyển nhượng (như bằng tiền mặt, chuyển khoản,…).
  • Quyền và nghĩa vụ các bên: Quyền và nghĩa vụ có thể liên quan đến đối tượng của hợp đồng, phạm vi hợp đồng, phương thức thanh toán,… Đây sẽ là căn cứ để xác định các bên có thực hiện đúng hợp đồng không.
  • Trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng: có thể là phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hoặc các bên có thể thoả thuận vừa phạt vi phạm vừa bồi thường thiệt hại.
  • Phương thức giải quyết tranh chấp: Thông thường, tranh chấp sẽ được giải quyết trước hết bằng hình thức thương lượng giữa các bên, nếu thương lượng không hiệu quả thì một trong các bên có quyền khởi kiện. Các bên có thể lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài hoặc Tòa án. Khi lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp, các bên cần quy định cụ thể tên của Trung tâm trọng tài; pháp luật, ngôn ngữ để giải quyết tranh chấp (nếu một bên là cá nhân, tổ chức nước ngoài).
  • Điều khoản hiệu lực: Các bên thoả thuận về thời điểm có hiệu lực và hết hiệu lực của hợp đồng.

Bên cạnh những nội dung trên, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác như điều kiện chuyển nhượng, hình thức chuyển nhượng, điều kiện tạm dừng thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng,…..

Thứ hai, về hình thức hợp đồng. Căn cứ điều 48 Luật Sở hữu trí tuệ, hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả phải được lập thành văn bản. Các hình thức khác như lời nói, hành vi đều không có giá trị pháp lý.

Thứ ba, về hậu quả pháp lý của hợp đồng. Sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng, chủ sở hữu quyền tác giả đã chuyển giao quyền sở hữu một, một số quyền nhân thân, quyền tài sản của mình cho bên được chuyển nhượng. Kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, chủ sở hữu không được chuyển nhượng, sử dụng, cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng các quyền đã chuyển nhượng.

Trên đây là bài viết “Lưu ý khi soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,