Trong nền âm nhạc tại Việt Nam hiện nay, mua bán ca khúc độc quyền là “cụm từ” đã trở nên quen thuộc đối với các ca sĩ – nhạc sĩ gần đây. Một album của ca sĩ mới xuất hiện, ít nhất cũng có khoảng 5 – 7 “sao” (ký hiệu cho ca khúc độc quyền), thì mới có hy vọng tìm được điểm đứng trên thị trường. Vậy mua bán “độc quyền bài hát” như thế nào là đúng pháp luật?. Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây để hiểu rõ hơn.
1. Mua bán độc quyền bài hát
Bài hát là sản phẩm trí tuệ do nhạc sĩ tạo ra bằng thời gian, công sức, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật của người sáng tạo, vì thế nhạc sĩ được xem là tác giả bài hát, có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với bài hát. Các quyền này sẽ do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.
Khi một bài hát được nhạc sĩ sáng tác thì nó đã thuộc “độc quyền” sở hữu và sử dụng của nhạc sĩ đó và chỉ có “anh ta” có quyền cho phép người khác thực hiện quyền tài sản đối với bài hát. Những quyền vừa nêu của nhạc sĩ sẽ được Luật SHTT bảo hộ kể cả khi nhạc sĩ không nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, vì quyền tác giả đã phát sinh ngay khi bài hát được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
“Mua bán bài hát” là cụm từ chỉ việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu, quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố và các quyền tài sản cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng, thỏa thuận hoặc theo quy định. Tuy nhiên, tác giả không được phép chuyển nhượng các quyền nhân thân gồm: (i) quyền đặt tên; (ii) quyền đứng tên thật hoặc bút danh, quyền được nêu tên hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; và (iii) quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Như vậy, nhạc sĩ có thể “bán” quyền tài sản đối với bài hát và giữ lại quyền nhân thân được pháp luật bảo hộ vô thời hạn để chỉ còn vai trò là tác giả bài hát; còn người mua sẽ trở thành chủ sở hữu quyền tác giả bài hát. Và vì bên mua đã “mua trọn đời” bài hát nên sẽ được bảo hộ quyền tài sản suốt đời nhạc sĩ và 50 năm tiếp theo năm nhạc sĩ qua đời.
2. Cần hiểu rõ và hiểu đúng luật về mua bán độc quyền bài hát
Theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ hiện hành tại Việt Nam, không tồn tại các thuật ngữ “bản quyền”, “độc quyền ca khúc” hay “tác quyền” mà chỉ tồn tại thuật ngữ là “quyền tác giả” và “quyền liên quan đến quyền tác giả”.
Pháp luật Việt Nam đã quy định rất rõ về quyền của tác giả đối với các tác phẩm của mình và cách thức chuyển giao các quyền này. Do đó, khi tiến hành việc cấp phép độc quyền, các bên cần phải làm rõ việc cấp phép ở đây là “chuyển nhượng quyền tác giả” hay là việc “chuyển quyền sử dụng quyền tác giả”. Trong trường hợp tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả xác nhận bán độc quyền ca khúc là hình thức “chuyển quyền sử dụng quyền tác giả” thì họ phải xác định một cách cụ thể, họ cấp phép quyền nào của họ, phạm vi sử dụng các quyền đó như thế nào, trong thời gian ra sao một cách kỹ lưỡng để tránh các tranh chấp phát sinh.
Khi tiến hành việc cấp phép độc quyền, các bên cần phải làm rõ việc cấp phép ở đây là “chuyển nhượng quyền tác giả” hay là việc “chuyển quyền sử dụng quyền tác giả”. Trong trường hợp tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả xác nhận bán độc quyền ca khúc là hình thức “chuyển quyền sử dụng quyền tác giả” thì họ phải xác định một cách cụ thể, họ cấp phép quyền nào của họ, phạm vi sử dụng các quyền đó như thế nào, trong thời gian ra sao một cách kỹ lưỡng để tránh các tranh chấp phát sinh.
Việc mua bán ca khúc độc quyền là quyền tự do thỏa thuận của hai bên nhạc sĩ và ca sĩ. Tuy nhiên có nhiều quan điểm khác nhau về điều này. Có người sẽ rao bán giá ca khúc rất cao, có người chấp nhận mua. Nhưng cũng có người tặng không, tặng miễn phí ca khúc cho ca sĩ miễn là bài hát của họ được “sống” với khán giả. Người ta vẫn gọi là “thị trường âm nhạc”, mà đã là thị trường thì vẫn có những trao đổi “thuận mua vừa bán”.
Trên thực tế, việc mua bán tác phẩm hay chuyển quyền sử dụng không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên những hiểu biết có tính chất pháp lý về quyền định đoạt tác phẩm nói trên thì không phải ai cũng biết. Tại hội thảo “Âm nhạc trong môi trường số”, đại diện các tổ chức, đơn vị quản lý, phát hành đã làm rõ những khái niệm liên quan đến bản quyền và chỉ ra những rủi ro mà cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu tác phẩm sẽ phải đối mặt trước việc mua bán hoặc chuyển quyền sử dụng tác phẩm trên không gian số. Theo ông Benjamin NG – Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương – CISAC (Liên Minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc) cho rằng việc tối ưu hóa nguồn thu cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì các nhạc sĩ nên đăng ký bản quyền với một CMOs (CMOs là viết tắt của chữ Collective Management Organization nghĩa là Tổ chức Quản lý quyền Tập thể).
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, xuất hiện trường hợp một ca sĩ có nguy cơ không còn bài hát để biểu diễn do những bài hát làm nên tên tuổi của mình đã bị tác giả bán độc quyền cho một ca sĩ khác. Điều này thể hiện nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật của nghệ sĩ, không biết về quy định của pháp luật cho phép những giao dịch kiểu như vậy và một phần vì quá tin tưởng vào nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm đó cho mình.
Do đó VCD khuyên các nghệ sĩ nếu muốn hoạt động biểu diễn thuận lợi thì nên có những hợp đồng bằng văn bản với nội dung rõ ràng về quyền đối với tác phẩm. Nội dung như: bài hát này nghệ sĩ được độc quyền biểu diễn, thời gian độc quyền biểu diễn là bao lâu, sau mỗi lần biểu diễn phải trả cho tác giả bao nhiêu tiền… Như vậy sẽ tránh những tranh chấp không đáng có sau này và không bị mất đi “cần câu cơm” nhất là khi tác phẩm làm nên tên tuổi của nghệ sĩ.