Quyền tác giả đối với tác phẩm là một loại tài sản trí tuệ, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Theo Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Quyền tác giả có thể được chuyển giao và trở thành di sản thừa kế, bao gồm quyền tài sản và một phần quyền nhân thân nhất định. Do quyền tác giả gắn với tên tuổi, bản thân tác giả nên không phải quyền nhân thân nào cũng được chuyển giao cho người thừa kế. Vậy người thừa kế quyền tác giả sẽ được thừa kế những quyền nào? Bài viết sau đây chúng tôi sẽ làm rõ.

1. Quyền tác giả

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Theo Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

2. Người thừa kế quyền tác giả

Người thừa kế quyền tác giả là người được hưởng các quyền tài sản và một phần quyền nhân thân của của tác giả theo quy định của pháp luật theo hàng thừa kế và diện thừa kế, được tác giả cho phép hưởng qua hình thức di chúc một cách hợp pháp được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó đối tượng hưởng quyền thừa kế quyền tác giả được xác định là cá nhân, và tổ chức, tuy nhiên tổ chức chỉ được thừa kế quyền tác giả theo hình thức di chúc.

3. Quyền của người thừa kế quyền tác giả

Căn cứ Điều 40 Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ. Với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả, người thừa kế có những quyền như sau:

Quyền nhân thân

Người thừa kế quyền tác giả có quyền công bố tác phẩm và cho phép người khác công bố tác phẩm. Sở dĩ người thừa kế quyền tác giả được hưởng những quyền nhân thân này vì đây là quyền nhân thân nhưng có giá trị kinh tế. Quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm còn liên quan trực tiếp đến việc khai thác các lợi ích kinh tế từ tác phẩm, là tiền đề để chủ thể có thể thực hiện được các quyền tài sản như biểu diễn, sao chép, phân phối, truyền đạt… tác phẩm. Nó gắn liền với yếu tố kinh tế, tài sản nhiều hơn so với yếu tố nhân thân, danh dự, uy tín của cá nhân. Khi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả, ở đây là người thừa kế quyền tác giả.

– Các quyền tài sản

  • Làm tác phẩm phái sinh, theo đó tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng, cụ thể người thừa kế quyền tác giả biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được;
  • Sao chép tác phẩm;
  • Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

4. Những cách thức giải quyết khi người thừa kế bị xâm phạm quyền tác giả

Trong trường hợp bị xâm phạm quyền tác giả, người thừa kế là chủ sở hữu quyền tác giả có thể thực hiện một số biện pháp như sau:

  • Khi phát hiện quyền của mình bị xâm phạm, người thừa kế cần thông báo, cảnh báo đối với cá nhân, tổ chức đã xâm phạm, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi xâm phạm.
  • Trong trường hợp không giải quyết được bằng cách nêu trên thì người thừa kế có thể khởi kiện cá nhân, tổ chức vi phạm tới Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
  • Liên hệ với cá nhân/tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý để được hỗ trợ, tư vấn đề cách thức giải quyết.

5. Dịch vụ pháp lý hỗ trợ về chuyển nhượng quyền tác giả với tác phẩm của  Công ty Phát triển Bản quyền Việt Nam VCD

Với đội ngũ chuyên gia pháp lý nhiều kinh nghiệm, VCD tự tin trong việc hỗ trợ Khách hàng về các vấn đề liên quan tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và các tranh chấp, yêu cầu của khách hàng về chuyển nhượng quyền tác giả với tác phẩm nói riêng. Với phương châm luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng, VCD cố gắng và đảm bảo hỗ trợ Khách hàng và triển khai công việc một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất, thường xuyên báo cáo tiến trình vụ việc cũng như đưa ra kế hoạch hành động tiếp theo để Khách hàng có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá kết quả công việc. Khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng và an tâm khi sử dụng dịch vụ pháp lý hỗ trợ của VCD.

Trên đây là bài viết Người thừa kế quyền tác giả có những quyền nào theo quy định của pháp luật?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,