Quyền liên quan là một hình thức khác của pháp luật sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu. Đối tượng bảo hộ của quyền liên quan cũng thuộc hầu hết các lĩnh vực. Bản ghi âm, ghi hình là một trong những đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền liên quan. Tuy nhiên, không phải tất cả các bản ghi âm, ghi hình được tạo ra đều được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền của nhà sản xuất đối với bản ghi âm ghi hình?. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của VCD.
1. Quyền của nhà sản xuất đối với bản ghi âm ghi hình là gì
Bản ghi âm, ghi hình: Theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP có đưa ra cách hiểu vê bản ghi âm, ghi hình như sau: Bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự. Bản ghi âm, ghi hình có thể là bản ghi nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; bản ghi chương trình biểu diễn nghệ thuật; bản ghi lại hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình là tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác.
Như vậy, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hiểu là các quyền mà nhà sản xuất có được đối với các sản phẩm mà họ đã tạo ra, bao gồm các bản ghi âm (như album nhạc, bài hát) và bản ghi hình (như video ca nhạc, phim ảnh). Các quyền này được pháp luật công nhận và bảo vệ, nhằm giúp nhà sản xuất kiểm soát việc sử dụng và phân phối các sản phẩm của mình. Quyền này thường bao gồm quyền sao chép, phân phối, trình diễn công cộng, phát sóng, và tạo ra các tác phẩm phái sinh từ bản ghi âm, ghi hình đó.
2. Quyền của nhà sản xuất đối với bản ghi âm ghi hình
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ sau đây:
a) Sao chép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình của mình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
c) Cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình, kể cả sau khi được phân phối bởi nhà sản xuất hoặc với sự cho phép của nhà sản xuất;
d) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản ghi âm, ghi hình của mình, bao gồm cả cung cấp tới công chúng bản ghi âm, ghi hình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.
- Lưu ý: Tại quy định khoản 2 Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền theo quy định nêu trên tại Mục này phải:
+ Được sự cho phép của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình;
+ Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nêu trên phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp pháp luật không quy định, trừ các trường hợp sau đây:
- Sao chép bản ghi âm, ghi hình chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp bản ghi âm, ghi hình, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
- Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình đã được chủ sở hữu quyền thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
- Thuộc một trong các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật và giới hạn quyền tác giả quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.
- Thuộc một trong các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền liên quan và giới hạn quyền liên quan quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.
- Thời gian bảo hộ quyền của nhà sản xuất đối với bản ghi âm ghi hình theo Khoản 2 Điều 34 Luật Sở hữu trí tuệ:
- Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.
Như vậy, theo quy định, thời hạn bảo hộ quyền liên quan của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình là năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố. Thời hạn bảo hộ này sẽ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.