Khi những ca khúc đã cũ hoặc nghe nhiều đến mức nhàm chán, giới trẻ có xu hướng phối khí hòa âm (remix) lại tạo ra một phiên bản khác của bài hát, khi đươc remix, các ca khúc sẽ có chất lượng âm thanh tốt hơn, gây ấn tượng với khán giả hơn. Các bạn trẻ luôn thích sự độc lạ và mới mẻ, nên những bản nhạc Remix luôn thu hút, hấp dẫn nhiều giới trẻ hiện nay đồng thời cũng phù hợp với thị trường và xu hướng âm nhạc trong thời điểm bây giờ. Tuy nhiên, những ca khúc remix như vậy có được đăng ký bản quyền không, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của VCD để biết thêm chi tiết.
1. Nhạc remix là gì?
Dòng nhạc Remix chắc chắn không còn xa lạ gì với giới trẻ hiện nay bởi với giai điệu sôi động, vui tươi và nhộn nhịp khác biệt hẳn với những dòng nhạc truyền thống như Pop, Ballad, Bolero,…
Hiểu đơn giản thì nhạc remix là nhạc được phối khí lại, làm lại từ bản nhạc gốc sao cho phù hợp với mục đích của người nghệ sĩ, tạo ra một phiên bản mới hoàn hảo hơn. Thuật ngữ này không chỉ xuất hiện trong âm nhạc mà còn được sử dụng trong phim, văn học, thơ, video, nhiếp ảnh,… Khi phối lại, người ta thường chỉnh sửa về tốc độ, nhịp điệu, cường độ, cao độ, sự cân bằng, thời gian của bản nhạc và nhiều yếu tố khác để tạo ra giai điệu bắt tai, sôi động thích hợp với thị hiếu khán giả.
Ngoài ra, bản nhạc có thể làm lại hầu hết các thành phần âm nhạc, tùy vào người remix. Chính vì thế, các nghệ sĩ luôn tạo ra vô số các bản nhạc remix khác nhau, mỗi bài nhạc với mỗi người sẽ có cách cảm nhạc khác nhau.
Thay vì khán giả cứ nghe đi nhe lại một bản nhạc gốc, dù cho có khúc đó có thịnh hành như thế nào, cũng phải tạo vẻ nhàm chán, không còn thích thú như lúc đầu. Ngay lúc này, người Remix sẽ phối lại bài nhạc gốc, làm mới ca khúc, gây cảm xúc tò mò và tăng cảm xúc cho người nghe.
2. Nhạc remix có phải là tác phẩm phái sinh không?
Nhạc remix được coi là tác phẩm phái sinh từ ca khúc gốc. Theo Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh“là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác”.
Một ca khúc remix là tác phẩm “phái sinh” từ ca khúc gốc nếu thỏa mãn các dấu hiệu sau:
- Được hình thành dựa trên sự kế thừa từ một tác phẩm đã có;
- Tác phẩm phái sinh không phải bản sao của tác phẩm gốc: pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng, vậy nên, trong nhiều trường hợp, hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc;
- Có sự sáng tạo: sự sáng tạo của ca khúc remix thể hiện ở việc lựa chọn, sắp xếp nhịp điệu, thêm thắt những hiệu ứng âm thanh mới để thể hiện được nội dung ca khúc như trong tác phẩm gốc; nhạc remix do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng sự lao động trí tuệ của mình mà không sao chép của người khác;
- Dấu ấn của tác phẩm gốc trong tác phẩm phái sinh: cho dù tác phẩm phái sinh được sáng tạo nguyên gốc nhưng vẫn phải đảm bảo có dấu ấn của tác phẩm gốc. Có nghĩa là khi nhận biết tác phẩm phái sinh thì công chúng phải liên tưởng đến tác phẩm gốc, sự liên tưởng này được thể hiện qua lời bài hát, giai điệu… của ca khúc gốc.
Tác giả tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ những nội dung có tính nguyên gốc do họ sáng tạo và tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để phái sinh. Việc tạo ra, khái thác, sử dụng tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm gốc.
Vậy, với câu hỏi nhạc remix có phải tác phẩm phái sinh không, thì câu trả lời ở đây là có thể, với điều kiện đáp ứng các dấu hiệu của tác phẩm phái sinh như đã trình bày ở bên trên.
3. Nhạc remix có được đăng ký bản quyền tác giả không?
Nhạc remix được bảo hộ quyền tác giả dưới dạng tác phẩm phái sinh khi đáp ứng 04 điều kiện sau:
- Không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc:
Theo khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
- Phải do tác giả làm tác phẩm phái sinh trực tiếp sáng tạo: Khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm phái sinh được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
- Được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc: Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc. Trong trường hợp không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả (Trừ khi tác phẩm phái sinh thuộc các trường hợp tại Điều 25 và Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ).
- Phải có dấu ấn riêng của tác giả tác phẩm phái sinh: Tác phẩm phái sinh là những tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm gốc. Nên để tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì phải có tính sách tạo, mới mẻ và mang dấu ấn của tác giả sáng tạo ra tác phẩm phái sinh đó.
Vậy, tác phẩm nhạc remix phải đáp ứng các điều kiện trên thì mới có thể được đăng ký bảo hộ quyền tác giả.
Trên đây là bài viết “Nhạc remix có được đăng ký bản quyền tác giả không?”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,