Để sáng tác thành công những giai điệu nghệ thuật, các bản hit thuộc top thịnh hành hay bất hủ với thời gian, không thể không nhắc đến người nhạc sĩ tài hoa. Trong bối cảnh lĩnh vực nghệ thuật giải trí đang bùng nổ, điều này đã mở ra hướng đi thênh thang đầy tiềm năng dành cho các bạn trẻ ngành Sáng tác âm nhạc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện truyền thông hiện nay  việc vi phạm bản quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Vậy Nhạc sĩ có những quyền gì đối với tác phẩm âm nhạc của mình? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của VCD.

1. Tác phẩm âm nhạc là gì?

 Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở Hữu trí tuệ 2005 thì tác phẩm âm nhạc là một trong các loại hình tác phẩm nghệ thuật được bảo hộ quyền tác giả. Dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì “Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.”

Tác phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền tác giả theo căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) quy định về các tác phẩm nghệ thuật được bảo hộ quyền tác giả.

 Tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ được bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành nếu thỏa tiêu chí tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời. Như vậy, khi nhạc sĩ chỉ mới suy nghĩ lời nhạc ở trong đầu mà chưa thể hiện ở hình thức vật chất, thì bài nhạc chưa được quyền tác giả bảo hộ.

Nhạc sĩ có quyền gì đối với tác phẩm âm nhạc của mình?

2. Nhạc sĩ có quyền gì đối với tác phẩm âm nhạc của mình?

 Theo Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, điều đó có nghĩa đối với tác phẩm âm nhạc của mình thì tác giả sẽ có quyền nhân thân và quyền tài sản.

+ Trường hợp nhạc sĩ là chủ sở hữu duy nhất của tác phẩm

Tại Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: “Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”.

 Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 17/2023/NĐ-CP và Khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 nhạc sĩ có các quyền sau:

  • Thứ nhất, quyền nhân thân gồm:

– Đặt tên cho tác phẩm, tuy nhiên việc đặt tên cho tác phẩm không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Việc đặt tên cho tác phẩm không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan.

 – Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; áp dụng cả khi tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh. Khi công bố, sử dụng tác phẩm phái sinh phải nêu tên thật hoặc bút danh của tác giả của tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh.

– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là việc phát hành bản sao tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý đủ để công chúng tiếp cận được tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

  • Thứ hai, quyền tài sản gồm:

 – Làm tác phẩm phái sinh;

– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;

– Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Luật sỡ hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2022;

– Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình;

– Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.

Các quyền này sẽ do nhạc sĩ độc quyền thực hiện hoặc cho phép những người khác thực hiện theo quy định của Luật SHTT. Vì vậy, khi có một tổ chức, cá nhân nào khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền thuộc quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả mà ở đây cụ thể là nhạc sĩ. Đặc biệt là đối với quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản đối với các tác phẩm âm nhạc không khuyết danh thì có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm mà tác giả qua đời; nếu tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ sẽ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm mà đồng tác giả cuối cùng qua đời.

Từ đó có thể thấy rằng, khi một tác phẩm âm nhạc được một nhạc sĩ sáng tác thì nó đã trở thành “tác phẩm âm nhạc độc quyền”, thuộc độc quyền sở hữu và sử dụng của chính nhạc sĩ đó và chỉ có nhạc sĩ đó mới có quyền trong việc cho phép một hay nhiều người khác thực hiện các quyền tài sản đối với tác phẩm âm nhạc của mình.. Những quyền trên đối với tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ sẽ được pháp luật SHTT bảo hộ hợp pháp kể cả khi nhạc sĩ không nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, vì quyền tác giả đã phát sinh ngay khi tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

+ Trường hợp nhạc sĩ được giao nhiệm vụ viết nhạc hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác viết nhạc cho một tổ chức, cá nhân khác (tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm)

Căn cứ, theo Điều 39 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm thì có quyền nhân thân (trừ quyền công bố sản phẩm theo Khoản 3 Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022). Liên hệ Điều 14 Nghị định 17/2023/NĐ-CP nhạc sĩ sáng tác ra tác phẩm âm nhạc có các quyền sau:

 – Đặt tên cho tác phẩm, tuy nhiên việc đặt tên cho tác phẩm không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Việc đặt tên cho tác phẩm không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan .

– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; áp dụng cả khi tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh. Khi công bố, sử dụng tác phẩm phái sinh phải nêu tên thật hoặc bút danh của tác giả của tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Trong trường hợp nhạc sĩ và bên còn lại có thỏa thuận khác thì quyền của nhạc sĩ đối với tác phẩm được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Như vậy, nhạc sĩ đối với tác phẩm âm nhạc của mình sẽ có quyền nhân thân và quyền tài sản trong trường hợp nhạc sĩ là tác giả duy nhất của tác phẩm đó. Mặc khác, nếu tổ chức, cá nhân thuê nhạc sĩ để viết ra tác phẩm âm nhạc thì quyền của nhạc sĩ đối với tác phẩm âm nhạc được thực hiện theo hợp đồng thuê, trường hợp không có thỏa thuận thì nhạc sĩ có một số quyền nhân thân của tác phẩm theo quy định pháp luật.