Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Để làm rõ về những cá nhân, tổ chức là chủ thể của quyền liên quan, Bản quyền Việt Nam xin gửi đến độc giả bài viết dưới đây.
1. Chủ thể của quyền liên quan là gì?
Chủ thể của quyền liên quan là những cá nhân, tổ chức được bảo hộ quyền liên quan, nghĩa là được hưởng các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định đối với các đối tượng được bảo hộ của quyền liên quan. Điều 16 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về chủ thể của quyền liên quan như sau:
“Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu quyền liên quan quy định tại Điều 44 của Luật này.
- Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình).
- Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (sau đây gọi là tổ chức phát sóng).”
Theo quy định trên, bốn đối tượng được coi là chủ thể của quyền liên quan bao gồm:
2. Người biểu diễn
Người biểu diễn là những người thể hiện tác phẩm, trực tiếp truyền tải tác phẩm đến với công chúng. Theo Điều 3 (a) Công ước Rome – Công ước quốc tế bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng thì “Người biểu diễn là các diễn viên, ca sỹ, nhạc công, vũ công và các người khác nhập vai, hát, đọc, ngâm, trình bày, hoặc biểu diễn khác các tác phẩm văn học, nghệ thuật”. Trên cơ sở đó, pháp luật Việt Nam đã quy định người biểu diễn là các diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật như các nghệ sĩ âm thanh, ánh sáng, nghệ sĩ xiếc,…
3. Chủ sở hữu cuộc biểu diễn
Chủ sở hữu quyền liên quan là những người nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền liên quan được quy định trong luật. Cụ thể, Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ quy định như sau về chủ sở hữu quyền liên quan:
“1. Chủ sở hữu quyền liên quan bao gồm:
a) Người biểu diễn sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan;
b) Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan;
c) Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan.
2. Chủ sở hữu quyền liên quan là tổ chức giao nhiệm vụ cho tổ chức, cá nhân thuộc tổ chức của mình thực hiện cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng là chủ sở hữu các quyền tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu quyền liên quan là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân khác thực hiện cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng là chủ sở hữu các quyền tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền liên quan theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.
5. Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền theo thỏa thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu một, một số hoặc toàn bộ các quyền tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.”
Cần lưu ý rằng chủ sở hữu quyền liên quan là một trong các chủ thể của quyền liên quan, nhưng chủ thể của quyền liên quan và chủ sở hữu quyền liên quan không phải lúc nào cũng là một. Để xác định ai là chủ sở hữu quyền liên quan, cần xác định rõ ai là người sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất để thực hiện tác phẩm, đồng thời phải xác định họ có thực hiện tác phẩm do được giao nhiệm vụ hay không hoặc do giao kết hợp đồng thực hiện tác phẩm với tổ chức, cá nhân khác, hoặc họ có thỏa thuận với cá nhân, tổ chức khác về việc ai là chủ sở hữu hay không. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân trở thành chủ sở hữu quyền liên quan do được thừa kế hoặc nhận chuyển giao quyền.
4. Nhà xuất bản ghi âm, ghi hình
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình là các tổ chức, cá nhân dùng băng đĩa ghi âm, ghi hình hoặc các vật dụng kĩ thuật khác để ghi lại âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc âm thanh, hình ảnh của một tác phẩm nhất định. Theo quy định tại Điều 16 nếu trên, có thể hiểu rằng nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác. Trong đó, nếu bản ghi âm, ghi hình được tổ chức, cá nhân sản xuất bằng chính thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kĩ thuật của mình thì họ là chủ sở hữu đối với bản ghi ầm, ghi hình đó, trừ trượng hợp họ có thỏa thuận khác.
5. Tổ chức phát sóng
Theo Khoản 11 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, phát sóng là việc truyền đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến âm thanh hoặc hình ảnh, âm thanh và hình ảnh, sự tái hiện âm thanh hoặc hình ảnh, sự tái hiện âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh, truyền tín hiệu được mã hóa trong trường hợp phương tiện giải mã được tổ chức phát sóng cung cấp tới công chúng hoặc được cung cấp với sự đồng ý của tổ chức phát sóng. Như vậy, tổ chức phát sóng là các tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng bao gồm các tổ chức phát thanh, tổ chức truyền hình và phát tín hiệu vệ tinh. Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan.
Trên đây là bài viết “Những chủ thể của quyền liên quan”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,