Logo là một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng để khiến khách hàng nhận diện doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ. Việc thiết kế một logo đẹp, thu hút là điều mà các doanh nghiệp hướng tới, để ghi lại dấu ấn của mình trên thị trường. Có những doanh nghiệp rất thành công trong việc định hình thương hiệu của mình trên thị trường, phần lớn nhờ vào hình ảnh logo. Chính vì vậy, việc bảo hộ logo là điều rất cần thiết, để tránh những tranh chấp, đạo nhái hình ảnh làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Vậy, khi đăng ký bản quyền logo cần phải lưu ý những điểm nào sẽ được thể trong bài viết dưới đây.

1. Đăng ký bản quyền logo

Bản quyền hay còn gọi là quyền tác giả của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo quy định, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

    Bản quyền Logo là thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến trong kinh doanh nói chung và trong hoạt động xây dựng thương hiệu nói riêng. Bản quyền logo là việc nhà nước bảo hộ để người sử dụng logo đó được sử dụng độc quyền, duy nhất mà không có bất kỳ bên thứ ba nào sử dụng logo trùng hoặc tương tự giống như vậy.

    Vì vậy, việc bảo hộ này sẽ được tiếp cận dưới hai hình thức là bảo hộ thương hiệu và bảo hộ quyền tác giả. Tương ứng với hai hình thức bảo hộ này: thương hiệu hay quyền tác giả, thì thủ tục để đăng ký bảo hộ hoàn toàn khác nhau, theo đó, quyền và lợi ích khi logo được bảo hộ cũng rất khác nhau, mà pháp luật Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới gọi là bảo hộ song trùng. Ở đây, đăng ký bản quyền logo là thủ tục pháp lý giúp nhà đầu tư doanh nghiệp chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với logo, nhãn hiệu. Thủ tục đăng ký sẽ được tiến hành theo nhiều bước khác nhau, bao gồm tra cứu khả năng đăng ký nhãn hiệu, nộp đơn và theo dõi quá trình thẩm định đơn cho đến khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký.

    2. Thủ tục đăng ký

    Về cơ bản, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với logo sẽ diễn ra theo thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với các tác phẩm khác, bao gồm: (1) Chuẩn bị hồ sơ; (2) Nộp hồ sơ; (3) Tiếp nhận hồ sơ; (4) Rà soát, phân loại hồ sơ; (5) Trả kết quả.

    Cụ thể, các bạn đọc thêm trong bài viết của VCD.

    Đăng ký quyền tác giả đối với logo sẽ là loại hình đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Theo Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 17/2023, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm.

    3. Những lưu ý cần thiết khi đăng ký bản quyền logo

    Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung ngày 01/01/2023, vào ngày 26/04/2023 Chính phủ đã cho ban hành Nghị định 17/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Ngày 02/06/2023 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã cho ban hành Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Mặc dù đã có Nghị định và Thông tư hướng dẫn cho những quy định mới, tuy nhiên, thực tế khi tiến hành thủ tục đăng ký sẽ gặp không ít khó khăn cho người nộp đơn khi chuẩn bị hồ sơ.

    Một trong những điểm khác biệt của Tờ khai đăng ký theo Nghị định 17/2023 so với quy định cũ là tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm phải cung cấp nhiều thông tin hơn nữa đối với tác phẩm của mình. Cụ thể trong phần mô tả logo như sau:

    • Đường link địa chỉ trang điện tử (trong trường hợp công bố trên mạng Internet)
    • Mô tả đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục, tính năng hữu ích của tác phẩm: Đối với chữ cái thông thường, phải miêu tả được thứ tự sắp xếp và phông chữ cụ thể của các chữ cái. Đối với những chữ cái đã được thiết kế đặc biệt, người điền tờ khai phải miêu tả cụ thể thiết kế của chữ cái đó như một ký hiệu đặc biệt trong logo. Đối với ký hiệu thông thường, phải miêu tả chính xác hình dạng, màu sắc và vị trí của ký hiệu. Đối với những ký hiệu được thiết kế đặc biệt, phải miêu tả cụ thể thiết kế của ký hiệu.
    • Công cụ, ứng dụng dùng để sáng tạo tác phẩm
    • Tác phẩm được tạo ra để gắn liền với đồ vật hữu ích nào (nếu có), được sản xuất thủ công hay công nghiệp
    • Cam đoan về việc sáng tạo tác phẩm

    Để chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ là không đơn giản, yêu cầu người chuẩn bị hồ sơ phải có kiến thức chuyên môn và có kinh nghiệm thực tiễn thì mới có thể đảm bảo được hồ sơ đăng ký trôi chảy và có khả năng cao được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

    Trên đây là bài viết “Những lưu ý cần thiết khi đăng ký bản quyền logo”. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn.