Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền phần mềm, ngày càng trở nên quan trọng. Bản quyền phần mềm không chỉ giúp các nhà phát triển và tổ chức bảo vệ thành quả sáng tạo của mình mà còn tạo ra một môi trường công bằng cho việc sử dụng và phát triển phần mềm. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, việc đăng ký bản quyền phần mềm là một bước cần thiết. Bài viết ” Những lưu ý khi đăng ký bản quyền phần mềm” dưới đây của VCD sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.

1.Bản quyền phần mềm là gì?

Bản quyền phần mềm là quyền pháp lý được cấp cho cá nhân hoặc tổ chức sáng tạo ra một phần mềm để kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng phần mềm đó. Bản quyền phần mềm cho phép chủ sở hữu quyết định những hoạt động liên quan đến phần mềm bao gồm việc phân phối, bán, cho thuê, sửa đổi và phát triển.

Bản quyền phần mềm được sử dụng bởi 2 đối tượng các nhà phát triển phần mềm và các công ty phần mềm độc quyền.

Bản quyền phần mềm máy tính được chia thành hai loại:

  • Sản phẩm đại trà: được phát triển nhằm mục đích để bán ngoài thị trường, đối tượng sử dụng đa dạng. Các bản phẩm phần mềm của sản phẩm đại trà là những phần mềm dành cho máy PC.
  • Sản phẩm theo đơn đặt hàng: được phát triển nhằm phục vụ đối tượng khách hàng riêng lẻ theo yêu cầu như: một hệ thống phần mềm chuyên dụng, hỗ trợ nghiệp vụ tại doanh nghiệp,…

2. Đối tượng có quyền đăng ký bản quyền phần mềm

Cá nhân trực tiếp sáng tạo ra phần mềm:

  • Là cá nhân đã sử dụng khả năng tư duy, kỹ năng lập trình và sự sáng tạo để phát triển phần mềm. Họ có quyền đăng ký bản quyền để bảo vệ tác phẩm của mình, bao gồm:
  • Quyền gắn tên tác giả vào tác phẩm.
  • Quyền được công nhận và tôn trọng như là tạo ra phần mềm.
  • Quyền chuyển nhượng quyền tài sản cho người khác hoặc tổ chức.

Tổ chức là chủ sở hữu phần mềm:

  • Trong trường hợp phần mềm được tạo ra trong quá trình làm việc hoặc theo hợp đồng với tổ chức, quyền sở hữu thuộc về tổ chức bao gồm:
  • Doanh nghiệp: nếu phần mềm được phát triển bởi nhận viên trong thời gian làm việc và sử dụng tài nguyên của công ty thì doanh nghiệp đó sẽ là chủ sở hữu.
  • Tổ chức nghiên cứu: các phần mềm phát triển trong dự án nghiên cứu hoặc hợp tác công nghệ thường thuộc quyền sở hữu của tổ chức điều hành dự án.
Những lưu ý khi đăng ký bản quyền phần mềm

3. Một số lưu ý khi đăng ký bản quyền phần mềm

Thời hạn bảo hộ:

Theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền tác giả đối với phần mềm được bảo vệ suốt cuộc đời của tác giả và kéo dài thêm 50 năm sau khi tác giả qua đời. Điều này có nghĩa là ngay cả khi tác giả đã mất, quyền sở hữu phần mềm vẫn được bảo vệ trong 50 năm tiếp theo, cho phép các thế hệ kế tiếp hoặc tổ chức sở hữu phần mềm có quyền sử dụng và chuyển nhượng.

Ngoài ra, quy định này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của các cá nhân hoặc tổ chức sở hữu phần mềm trong một khoảng thời gian dài, giúp họ yên tâm phát triển và khai thác sản phẩm trí tuệ trên thị trường mà không phải lo lắng về các vấn đề liên quan đến xâm phạm bản quyền.

Phạm vi bảo hộ:

Giấy chứng nhận bản quyền phần mềm có giá trị và hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Điều này có nghĩa là khi phần mềm của bạn được cấp Giấy chứng nhận bản quyền, bạn có quyền yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình trước các hành vi xâm phạm xảy ra trên toàn quốc.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn bảo vệ phần mềm của mình ở các quốc gia khác, bạn cần thực hiện các thủ tục đăng ký bản quyền tại các quốc gia đó thông qua các tổ chức quốc tế như Cục Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hoặc các cơ quan sở hữu trí tuệ của từng nước. Điều này sẽ giúp bảo vệ phần mềm của bạn trên phạm vi toàn cầu.

Hồ sơ đăng ký bản quyền phầm mềm:

Hồ sơ đăng ký cơ bản gồm có các tài liệu sau:

  • Giấy ủy quyền (nếu nộp qua đại diện).
  • Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của tác giả.
  • Bản cam đoan về việc sáng tác phần mềm.
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (nếu có).
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu chủ sở hữu là tổ chức).
  • Bản in mã code và giao diện phần mềm.
  • Hai đĩa CD chứa nội dung phần mềm.
  • Quyết định giao việc/ Xác nhận giao việc.

Trong đó lưu ý về thành phần hồ sơ đăng ký:

  • Đối với mã code: phần mã code chương trình máy tính nêu trên có từ 100 trang trở lên thì in 25 trang đầu, 25 trang giữa và 25 trang cuối của phần mã code. Tối đa là 75 trang code.
  • Đối với giao diện phần mềm: là các hình ảnh giao diện không được chứa hình ảnh bản đồ, các thông tin cá nhân của người khác,… Giao diện phần mềm không bị giới hạn về số trang.
  • Đối với đĩa CD: 1 mặt đĩa CD dán giấy trắng ghi tên chương trình máy tính.
  • Trong trường hợp nhân viên đã được giao quyết định giao việc trước đó và thời điểm hiện tại CCCD đã cấp mới thì làm Xác nhận giao việc ghi nhận tổ chức đã giao nhiệm vụ cho họ.
  • Đối với trường hợp tổ chức giao nhiệm vụ cho các đồng tác giả phải ghi rõ vai trò, nhiệm vụ của từng tác giả tại mục thông tin của tác giả trong tờ khai.

Trên đây là bài viết “Những lưu ý khi đăng ký bản quyền phần mềm” mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,