Thông thường, để tránh việc các tác phẩm do mình sáng tạo ra bị vi phạm bản quyền, tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm sẽ đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm đó.  Tuy nhiên thực tế diễn ra cho thấy: nhiều người nghĩ đơn giản rằng khi sử dụng tác phẩm người khác chỉ cần ghi rõ nguồn và tác giả là đủ. Một số tổ chức tự dựng bản ghi âm, ghi hình đối với tác phẩm của người khác mà không có giao ước gì với tác giả, sau đó xác nhận quyền sở hữu với bản ghi đó. Người tiêu dùng ngang nhiên mua các sản phẩm rẻ, băng đĩa được sao chép bán tràn lan trên thị trường mà không biết đó là sản phẩm vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, để hạn chế tình trạng trên diễn ra, cá nhân và tổ chức cần lưu ý khi sử dụng các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, cụ thể được thể hiện trong bài viết dưới đây của VCD.

1. Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là gì?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Hiện nay, theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ có những loại hình tác phẩm được bảo hộ như sau: truyện, kịch, tác phẩm tạo hình, phim, ảnh, video, chương trình máy tính, tài liệu, bản vẽ, công trình khoa học, bài hát… Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được Nhà nước bảo hộ chia tác phẩm thành ba loại sau: tác phẩm viết (written works), tác phẩm âm nhạc (sound recordings) và tác phẩm hình ảnh (motion pictures).

    Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Quyền tác giả được phát sinh kể từ khi tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức nhất định; tác phẩm được bảo hộ phải có tính nguyên gốc, tức là không sao chép, bắt chước tác phẩm khác. Bảo hộ chủ sở hữu quyền tác giả là việc cơ quan Nhà nước ghi nhận các văn bằng bảo hộ các quyền như nhân thân, tài sản của các chủ sở hữu và chủ sở hữu quyền tác giả được sử dụng các phương thức hợp pháp để bảo vệ các đối tượng quyền tác giả của mình nhằm chống lại mọi sự xâm phạm. Bảo vệ chủ sở hữu quyền tác giả không những ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn giải quyết vấn đề xâm phạm bản quyền cũng như xử lý vấn đề bồi thường thiệt hại.

    Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền nhân thân của tác giả bao gồm:

    • Đặt tên cho tác phẩm.
    • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
    • Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
    • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

    Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền tài sản của tác giả bao gồm:

    • Làm tác phẩm phái sinh;
    • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
    • Sao chép tác phẩm;
    • Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
    • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
    • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

    Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền sẽ thực hiện các quyền này hoặc cho phép người khác thực hiện. Các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

    2. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng vi phạm tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

    Vi phạm bản quyền tác giả và quyền liên quan trên các lĩnh vực văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc… có thể gặp trên bất cứ tuyến đường hoặc các ngõ, xóm với các băng rôn, khẩu hiệu, biển quảng cáo có sử dụng hình ảnh minh họa; các cửa hàng, doanh nghiệp âm nhạc, phim truyền hình chưa được trình chiếu chính thức đã tràn ngập bản copy trên mạng… Đặc biệt, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến vấn nạn vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền – bảo hộ quyền tác giả càng thêm chồng chất khó khăn cho tác giả và cơ quan quản lý. Với các thiết bị công nghệ ngày càng hiện đại, sự phát triển của các nền tảng ứng dụng, mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng xâm phạm hoặc bị xâm phạm bản quyền, vi phạm pháp luật. Tình trạng “Nhà nhà vi phạm, người người vi phạm” cùng với thói quen “xài chùa” dường như đã trở thành điều hiển nhiên. Ở đây phải kể đến một vài nguyên do sau:

    Thứ nhất là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng còn chưa sâu rộng, chưa kịp thời, không thường xuyên; việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế; hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Cán bộ theo dõi lĩnh vực còn kiêm nhiệm, chưa chuyên sâu về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ dẫn đến hiệu quả quản lý, thực thi còn chưa cao.

    Thứ hai, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng xâm phạm quyền tác giả hiện nay còn là do lỗi của chính các tác giả. Các tác giả, chủ sở hữu có tác phẩm bị vi phạm quyền tác giả cũng không chủ động đi “đòi” quyền lợi cho “đứa con tinh thần” của mình dù rất bức xúc khi thấy chúng bị sử dụng tràn lan với mục đích thương mại. Hoặc là việc vi phạm vẫn tiếp diễn đến khi tác giả, chủ sở hữu phát hiện nhưng đi đến tình trạng này thì các bên vi phạm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của tác giả đó.

    Theo thống kê của các cơ quan chức năng thì trong những năm gần đây, các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có xu hướng gia tăng và gây ra thiệt hại kinh tế không nhỏ. Thực trạng này sẽ vẫn xảy ra nếu bản thân các cá nhân, tổ chức, đơn vị không hành động để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp thường chú trọng vào việc xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp nhưng lại quên mất khâu đăng ký bảo hộ của mình. Đây sẽ là kẽ hở để kẻ gian trục lợi, khiến doanh nghiệp chịu thiệt trong các vụ tranh chấp bản quyền cũng như gây khó khăn trong xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ.

    3. Một số lưu ý khi sử dụng tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

    Vì vậy, bên cạnh việc tự ý thức bảo vệ quyền và lợi ích của các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, bản thân mỗi cá nhân, tổ chức phải tự ý thức được tầm quan trọng của việc xin phép và sử dụng các tác phẩm được bảo hộ bản quyền. Và dưới đây là một trong những lưu ý khi sử dụng tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

    Thứ nhất, cần xác định xem liệu việc sử dụng các tác phẩm đó có cần phải ký một hợp đồng li-xăng với chủ sở hữu quyền hay không? Các hành vi sử dụng tác phẩm có bảo hộ quyền tác giả có thể kể đến như sử dụng một bài hát trong một chương trình truyền hình hay việc bán và phân phối đĩa CD, việc sử dụng các phần mềm trong máy tính của các doanh nghiệp. Hầu hết các hành vi sử dụng hay khai thác thương mại các quyền như vậy đều cần tới một hợp đồng li-xăng hoặc chuyển nhượng quyền từ chủ sở hữu, do vậy, việc xác định có phải có hợp đồng li-xăng hay không là rất quan trọng. Tiếp đó, các chủ thể muốn sử dụng cần xác định chủ sở hữu quyền để đàm phán, soạn thảo và ký kết một hợp đồng li-xăng trước khi sử dụng và khai thác tác phẩm đã được bảo hộ quyền tác giả.

    Thứ hai, cần xác định xem quyền tác giả được quản lý bởi chính chủ sở hữu, nhà sản xuất hay được quản lý bởi một tổ chức tập thể nào hay không. Nếu có một tổ chức quản lý quyền tập thể, khi hợp tác với tổ chức này, cá nhân và tổ chức muốn sử dụng tác phẩm có thể tiết kiệm được nhiều sức lực và tiền bạc. Tổ chức này có thể đơn giản hóa đáng kể quy trình nhận li-xăng các tác phẩm, trực tiếp giao dịch với các tác giả, chủ sở hữu riêng lẻ. Tổ chức cũng cung cấp dịch vụ tập trung theo tỉ lệ phí và các điều kiện sử dụng có thể được thương lượng và nhận sự cho phép một cách nhanh chóng và dễ dàng.

    Thứ ba, cần xin phép sử dụng tác phẩm đã được bảo hộ quyền tác giả. Đối với suy nghĩ của không ít người hiện nay, các tác phẩm được công bố trên Internet là thuộc sở hữu công cộng và có thể sử dụng miễn phí các tác phẩm đó. Tuy nhiên, dù được công bố ở phương tiện nào và tác phẩm đó vẫn đang trong thời hạn bảo hộ thì việc sử dụng cần phải có sự đồng ý của chủ sở hữu. Ngoài ra, có thể xác định thêm liệu hành vi của mình có thuộc trường hợp được sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ và các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ hay không.

    Trên đây là bài viết: “Những lưu ý khi sử dụng tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả”. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn.