Thông thường, các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình… đều có tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân hoặc tổ chức xác định. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ không thể xác định được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm… là ai, trong trường hợp đó, Nhà nước sẽ đứng ra đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật sở hữu trí tuệ, Nhà nước đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan trong các trường hợp dưới đây:

1. Không thể tìm hoặc không xác định được chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan

Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không thể tìm được hoặc không xác định được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan thì Nhà nước sẽ đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan.

Đây là những tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố nhưng không có thông tin về tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc có thông tin về tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là tổ chức, cá nhân Việt Nam nhưng không thể tìm được hoặc không liên hệ được;

2. Tác phẩm khuyết danh

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 17/2023/NĐ-CP ghi nhận, tác phẩm khuyết danh có thể được hiểu là tác phẩm không hoặc chưa có tên tác giả (tên khai sinh hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố. Ví dụ về tác phẩm khuyết danh có thể kể đến tác phẩm văn học dân gian “Tấm Cám”, truyện có nguồn gốc xa xưa được phát triển trong xã hội có giai cấp cùng với sự xuất hiện chế độ tư hữu tư sản, chế độ gia đình phụ quyền thời cổ, tuy nhiên, tác giả truyện Tấm Cám là ai hiện vẫn là một ẩn số.

Cho đến khi danh tính của tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả được xác định thì người quản lý quyền tác giả, quyền liên quan sẽ là Nhà nước, trừ trường hợp:

  • Tổ chức, cá nhân đang quản lý hoặc nhận chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh được hưởng quyền của chủ sở hữu cho đến khi danh tính của tác giả, đồng tác giả được xác định.
  • Khi danh tính của tác giả, đồng tác giả được xác định thì chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm này, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền tác giả của tổ chức, cá nhân đang quản lý hoặc nhận chuyển nhượng được xác định theo quy định của Luật SHTT và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Vậy, có hai trường hợp các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình… mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan được quy định trong pháp luật. Đó là, tác phẩm khuyết danh và các tác phẩm không tìm được hoặc không xác định được chủ sở hữu.

Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan thì phải nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi đã nỗ lực tìm kiếm chủ thể quyền mà không thể tìm được hoặc không liên hệ được.

Trên đây là bài viết “Những tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,