Những khái niệm liên quan đến tác giả, đồng tác giả hay tập thể tác giả luôn gây ra những sự nhầm lẫn trong việc nhận diện và xác định các quyền lợi hợp pháp liên quan. Trong số những khái niệm đó thì đồng tác giả và tập thể tác giả được xem là khá khó khăn trong việc phân biệt. Bài viết sau của VCD sẽ làm rõ hơn khái niệm đồng tác giả và tập thể tác giả để giúp bạn đọc có thể phân biệt hai khái niệm này.

1. Đồng tác giả

Theo Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ quy định về khái niệm đồng tác giả như sau:

Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”.

Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả”.

Vậy, với định nghĩa trên, đồng tác giả phải là người trực tiếp lao động sáng tạo để tạo nên tác phẩm, có đóng góp công sức thực tế vào việc định hình tác phẩm. Những người chỉ đưa ra ý tưởng, đóng góp ý kiến, hỗ trợ hoặc cung cấp tư liệu cho tác giả mà không trực tiếp tham gia vào quá trình định hình tác phẩm thì không được coi là đồng tác giả.

Người là đồng tác giả cũng có những quyền như tác giả thông thường. Tuy nhiên, cần chú ý có sự khác nhau về quyền của các đồng tác giả trong hai trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm và tác giả không đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm.

Cụ thể, các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm thì các đồng tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, được hưởng toàn bộ những quyền nhân thân và các quyền tài sản được quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm do họ cùng sáng tạo ra.

2. Tập thể tác giả

Hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về tập thể tác giả. Tuy nhiên trên thực tế, có một số loại hình tác phẩm mang những đặc trưng riêng, được tạo thành hoàn chỉnh từ loại hình nghệ thuật khác nhau, tách biệt tuy nhiên ghép lại thành tổng thể tác phẩm. Cụ thể, hai loại hình có thể thấy rõ nhất chính là tác phẩm sân khấu và tác phẩm điện ảnh.

Nghị định 22/2018/NĐ-CP cũng quy định tại Điều 11 và Điều 12 về tác giả sáng tác tác phẩm sân khấu điện ảnh là các tác giả quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, đối với tác phẩm điện ảnh, biên kịch, đạo diễn được hưởng quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm hoặc cho phép người nhận chuyển giao quyền tài sản đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Những người quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.

Đối với tác phẩm sân khấu, tác giả kịch bản sân khấu được hưởng quyền nhân thân là quyền đặt tên cho tác phẩm hoặc cho phép người nhận chuyển giao quyền tài sản đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Những người là tác giả tác phẩm văn học, tác giả tác phẩm âm nhạc, đạo diễn sân khấu, chỉ huy âm nhạc, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, phục trang và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.

Ta có thể hiểu tập thể tác giả là những người cùng trực tiếp sáng tạo nên tác phẩm. Tuy nhiên khác với đồng tác giả thì tập thể tác giả chỉ có thể được áp dụng đối với tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Dù là tập thể nhưng mỗi chủ thể có thể làm một phần tác phẩm tách biệt nhau và tổng hợp các phần tạo nên một chỉnh thể tác phẩm thống nhất và hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, đối với tập thể tác giả, có thể thấy rằng những người có vai trò chủ chốt, quyết định, chi phối tổng thể tác phẩm trong việc định hình tác phẩm từ nội dung tới hình thức thể hiện sẽ nắm giữ nhiều quyền hơn so với những người đóng vai trò thực hiện từng phần trong việc định hình tác phẩm dưới một hình thức thể hiện nhất định mà không chi phối, quyết định nội dung tác phẩm.

Trong tập thể tác giả thì các tác giả sẽ là chủ thể được hưởng các quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm) và được nhận tiền thù lao từ chủ sở hữu. Còn quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm sẽ thuộc về tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính; cơ sở vật chất, kỹ thuật để sản xuất tác phẩm.

Trên đây là bài viết “Phân biệt đồng tác giả với tập thể tác giả”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng