Dưới góc độ của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, những người nắm giữ quyền tác giả bao gồm tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Vậy, hai đối tượng này có điểm gì khác biệt và tại sao lại phải phân chia như vậy? Bài viết này sẽ phân tích và làm rõ cho quý độc giả hiểu rõ hơn về hai chủ thể này.
1. Thế nào là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả?
Về tác giả, Điều 12a Luật sở hữu trí tuệ đã nêu ra khái niệm như sau:
“Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.
Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả.”
Về khái niệm chủ sở hữu quyền tác giả, Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này.”
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền tác giả có thể là:
- Tác giả;
- Các đồng tác giả;
- Tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả;
- Người thừa kế quyền tác giả;
- Người được chuyển giao quyền;
- Nhà nước.
2. Phân biệt tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả
Tùy thuộc vào từng trường hợp, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có thể là một chủ thể hoặc là hai chủ thể riêng biệt.
- Chủ sở hữu quyền tác giả đồng thời là tác giả: Đây là trường hợp tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và vừa sử dụng tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình trong quá trình thực hiện tác phẩm, do đó chủ thể vừa là tác giả, vừa là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm. Khi đó, tác giả sẽ có đầy đủ cả quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. Nếu tác phẩm được tạo nên bởi nhiều tác giả thì các đồng tác giả là chủ sở hữu và có chung các quyền của chủ sở hữu đối với tác phẩm. Bên cạnh đó, trong trường hợp có nhiều đồng tác giả mà mỗi phần riêng biệt trong tác phẩm của một tác giả có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì tác giả đó là chủ sở hữu đối với phần riêng biệt đó.
- Chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả một trong những trường hợp sau:
- Chủ sở hữu là cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng hoặc giao nhiệm vụ cho tác giả tác phẩm. Khi tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho người thuộc tổ chức mình, thì người được giao nhiệm vụ đó là tác giả và tổ chức là chủ sở hữu quyền tác giả. Cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng với tác giả để tác giả sáng tạo ra tác phẩm thì cá nhân, tổ chức đó là chủ sở hữu quyền tác giả. Trên cơ sở sự đầu tư về tài chính, các điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật khác cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, các chủ thể này nắm giữ các quyền khai thác sử dụng về mặt tài sản đối với tác phẩm sau khi tác phẩm được hoàn thành. Các quyền nhân thân của tác giả vẫn thuộc về tác giả đã sáng tạo ra tác phẩm.
- Chủ sở hữu là cá nhân, tổ chức được thừa kế về tài sản theo pháp luật về thừa kế. Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả là chủ sở hữu các quyền tài sản và quyền nhân thân được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
- Chủ sở hữu là cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền tác giả. Căn cứ để phát sinh quyền sở hữu quyền tác giả của người được chuyển giao quyền được xác định là thời gian có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền tác giả.
- Chủ sở hữu là Nhà nước. Nhà nước sẽ là chủ thể được hưởng quyền sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm khi tác phẩm được sáng tạo do cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản.
- Chủ sở hữu là cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng hoặc giao nhiệm vụ cho tác giả tác phẩm. Khi tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho người thuộc tổ chức mình, thì người được giao nhiệm vụ đó là tác giả và tổ chức là chủ sở hữu quyền tác giả. Cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng với tác giả để tác giả sáng tạo ra tác phẩm thì cá nhân, tổ chức đó là chủ sở hữu quyền tác giả. Trên cơ sở sự đầu tư về tài chính, các điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật khác cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, các chủ thể này nắm giữ các quyền khai thác sử dụng về mặt tài sản đối với tác phẩm sau khi tác phẩm được hoàn thành. Các quyền nhân thân của tác giả vẫn thuộc về tác giả đã sáng tạo ra tác phẩm.
Trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả, tác giả sẽ nắm giữ quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên tác phẩm, đứng tên trên tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; chủ sở hữu sẽ nắm giữ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. Tuy nhiên, đối với và quyền đặt tên cho tác phẩm (là một trong những quyền nhân thân của tác giả), tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản. Do đó, chủ sở hữu là cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền tác giả có thể nắm giữ cả quyền đặt tên tác phẩm ngoài những quyền tài sản khác.
Trên đây là bài viết “Phân biệt giữa tác giả – chủ sở hữu quyền tác giả”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng!