Quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp là hai thuật ngữ quan trọng được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Về cơ bản, quyền tác giả được bảo hộ từ khi tác phẩm đó được sáng tạo ra thì quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu chủ sở hữu đăng ký. Tuy nhiên, đây chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” vì vẫn còn nhiều điểm khác biệt giữa hai khái niệm này. Và để phân biệt rõ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của VCD.

1. Khái niệm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tác phẩm do bản thân sáng tạo ra hoặc sở hữu. Như vậy, quyền tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa (cũng còn được gọi là tác phẩm) không bị vi phạm bản quyền, ví dụ như cá bài viết về khoa học văn học, sáng tác nhạc, ghi âm, tranh vẽ, hình ảnh, phim và các chương trình truyền thanh. Quyền tác giả là để bảo vệ các quyền lợi của cá nhân và lợi ích kinh tế của tác giả trong mối liên quan với tác phẩm này.

Theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý do bản thân sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến việc sử dụng, chuyển dịch các đối tượng sở hữu công nghiệp. Các quyền chủ quan này phải phù hợp pháp luật nói chung và pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp nói riêng; bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản của các chủ thể trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; quyền ngăn chặn những hành vi xâm phạm hoặc cạnh tranh không lành mạnh đối với các quyền của những người sáng tạo ra hoặc người sử dụng hợp pháp các đối tượng đó.

Như vậy, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp là hai nhóm quyền quan trọng của Luật Sở hữu trí tuệ, và được quy định lần lượt tại Phần 2 và Phần 3 của Luật này.

2. Điểm tương đồng giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp

Căn cứ theo hai khái niệm về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp thì hai quyền này có một vài điểm chung như sau:

Thứ nhất, hai quyền này đều được pháp luật quy định và bảo hộ tại Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, hai quyền này đều hướng tới việc bảo hộ các đối tượng sáng tạo ra hoặc sở hữu tác phẩm là tác giả và chủ sở hữu sáng tạo ra hoặc sở hữu trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Thứ ba, hai quyền trên đều được Nhà nước bảo hộ, nếu có hành vi vi phạm đến một trong hai quyền này thì đều sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Có thể thấy, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp là hai phạm trù khác nhau nhưng đều hướng tới bảo vệ quyền liên quan trí tuệ của mình, cùng thuộc nhóm quyền sở hữu trí tuệ. Một đối tượng có thể được bảo vệ bằng quyền tác giả cũng như quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn như mô hình robot, ngoài việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả với bản vẽ hoặc bản viết của phần mô tả.

3. Điểm khác biệt giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp

3.1. Về đối tượng bảo hộ quyền tác giả và đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá. Đối tượng của quyền tác giả chủ yếu được áp dụng trong các hoạt động giải trí tinh thần.

Còn các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp lại được ứng dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại. Bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

3.2. Về điều kiện bảo hộ quyền tác giả và điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Pháp luật về quyền tác giả không quy định về nội dung đối với tác phẩm được bảo hộ.

Đối với quyền sở hữu công nghiệp: đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ khi đáp ứng được các điều kiện bảo hộ mà Luật sở hữu trí tuệ quy định. Tức là, pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp bảo hộ nội dung của đối tượng như sau:

  • Sáng chế: có tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp.
  • Kiểu dáng công nghiệp: có tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp.
  • Nhãn hiệu: dấu hiệu nhìn thấy được, có tính phân biệt (Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ).
  • Tên thương mại: Có khả năng phân biệt giữa các chủ thể kinh doanh (Điều 76 Luật sở hữu trí tuệ).
  • Chỉ dẫn địa lý: Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý ở nơi đó mang lại (Điều 79 Luật sở hữu trí tuệ).
  • Mạch tích hợp bán dẫn: có tính nguyên gốc, tính thương mại (Điều 68 Luật sở hữu trí tuệ)
  • Bí mật kinh doanh: Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; khi sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người sở hữu nó có lợi thế; được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết (Điều 84 Luật sở hữu trí tuệ).

3.3. Về căn cứ xác lập quyền tác giả và căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Quyền tác giả được xác lập kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và định hình dưới một hình thức vật chất nhất định; dựa vào chính hành vi tạo ra tác phẩm của tác giả, không phụ thuộc vào thể thức, thủ tục nào.

Còn quyền sở hữu công nghiệp được xác lập dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xét và cấp văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu các đối tượng đó (trừ các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập một cách tự động). Cụ thể như sau:

  • Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý: xác lập trên cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ hoặc công nhận đăng ký quốc tế.
  • Tên thương mại: sử dụng hợp pháp.
  • Bí mật kinh doanh: có được một cách hợp pháp và thực hiện bảo mật.
  • Nhãn hiệu nổi tiếng: trên cơ sở sử dụng.

3.4. Về thời điểm phát sinh quyền tác giả và thời điểm phát sinh quyền sở hữu công nghiệp

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Quyền tác giả phát sinh một cách mặc nhiên và nó được thiết lập từ thời điểm tác phẩm đó được thể hiện dưới hình thức khách quan mà người khác có thể nhận biết được.

Quyền sở hữu công nghiệp phát sinh tại từng thời điểm khác nhau tùy thuộc vào đối tượng được bảo hộ.

3.5. Về yêu cầu về văn bằng bảo hộ đối với quyền tác giả và văn bằng bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp

Quyền tác giả được bảo hộ một cách tự động và việc bảo hộ không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký nên quyền tác giả không cần phải có văn bằng bảo hộ. Văn bằng bảo hộ của quyền tác giả – quyền liên quan là giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan​ (được cấp bởi Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ văn hóa thể thao và du lịch).

Với quyền sở hữu công nghiệp, việc đăng kí quyền sở hữu công nghiệp là thủ tục bắt buộc. Quyền sở hữu công nghiệp chỉ được pháp luật bảo hộ khi chúng đã được cơ quan nhà nước chính thức cấp văn bằng bảo hộ (Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học và công nghệ) . Văn bằng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp đối với từng đối tượng như sau:

  • Đối với sáng chế: bằng độc quyền sáng chế
  • Đối với kiểu dáng công nghiệp: bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
  • Đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

3.6. Về thời hạn, giới hạn bảo hộ đối với quyền tác giả và thời hạn, giới hạn bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp

Quyền tác giả bảo hộ trong khoảng thời gian quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ và giới hạn bảo hộ tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ.

Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ tại điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ và giới hạn bảo hộ từ Điều 133 đến Điều 137 Luật Sở hữu trí tuệ.

Trên đây là bài viết: “Phân biệt quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.