Khi đề cập đến quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam, nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai cơ chế bảo hộ chính: tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp. Vậy dựa trên quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, có thể phân biệt tác phẩm mỹ thuật ứng dụng công nghiệp và kiểu dáng công nghiệp như thế nào. Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.
1. Điểm giống nhau giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp
- Đều là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được quy định theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
- Đều thể hiện những quyền của chủ thể sáng tạo hoặc chủ thể sở hữu các sáng tạo đó.
- Bảo hộ quyền và lợi ích của các chủ thể có quyền và tránh các hành vi xâm phạm đế quyền được bảo hộ đó của các chủ thể.
- Đều là các đối tượng sáng tạo mang tính thẩm mỹ.
- Được thể hiện dưới dạng hình dáng bên ngoài của tác phẩm như hình khối, đường nét, màu sắc,…
2. Điểm khác nhau giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm ba nhóm quyền chính: quyền tác giả và quyền liên quan đến bản quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng nó thuộc quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả còn kiểu dáng công nghiệp là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Để phân biệt hai đối tượng này cần xét trên các tiêu chí sau:
Khái niệm:
- Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm. ( Khoản 8 Điều 6 Nghị định 17/2023-ND-CP).
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện nằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này (Khoản 13 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ).
Căn cứ xác lập quyền:
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành thì Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng xác lập trên cơ sở sản phẩm sáng tạo dưới dạng hình thức vật chất nhất định và không phải đăng ký. Điều này có nghĩa là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký, quyền tác giả phát sinh mặc nhiên và nó được thiết lập từ thời điểm tác phẩm đó được thể hiện dưới hình thức khách quan mà người khác có thể nhận biết được. Việc đăng ký mang tính chất khuyến khích chứ không bắt buộc nhằm tránh các hành vi xâm phạm và có bằng chứng khi xảy ra tranh chấp.
- Theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và đây là một yêu cầu bắt buộc. Kiểu dáng công nghiệp chỉ được pháp luật công nhận khi cơ quan nhà nước cấp văn bằng bảo hộ chính thức. Việc đăng ký văn bằng bảo hộ không chỉ là một thủ tục pháp lý mà còn là cách thức công khai thông báo về quyền sở hữu tài sản, giúp chủ thể xác định quyền lợi và tránh tình trạng bị người khác chiếm đoạt mà không có căn cứ. Tuy nhiên, quy trình đăng ký này thường tốn nhiều thời gian và chi phí hơn so với việc đăng ký bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Điều kiện bảo hộ:
- Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chỉ cần được thể hiện dưới dạng một hình thức vật chất nhất định và có tính nguyên gốc do tác giả sáng tạo. Không yêu cầu tính mới, cũng như không đặt ra điều kiện nào về nội dung, chất lượng hay hiệu quả của tác phẩm.
- Ngược lại, kiểu dáng công nghiệp có yêu cầu cao hơn. Theo Điều 63 của Luật Sở hữu trí tuệ, để được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: có tính mới (so với các kiểu dáng trên thế giới), có tính sáng tạo (không được trùng hoặc tương tự với kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký), và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Thời hạn bảo hộ:
- Thời hạn bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu. Đối với các tác phẩm chưa được công bố trong thời hạn 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình, thời hạn bảo hộ sẽ kéo dài lên tới 100 năm kể từ thời điểm tác phẩm được định hình.
- Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được quy định tại khoản 4 Điều 93 của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài trong 5 năm kể từ ngày nộp đơn. Thời hạn này có thể được gia hạn liên tiếp, mỗi lần 5 năm, với thời hạn bảo hộ tối đa là 15 năm.
Ý nghĩa của việc bảo hộ:
- Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chỉ được bảo hộ về hình thức, nhằm ngăn chặn việc sao chép hoặc sử dụng hình thức của tác phẩm gốc. Tuy nhiên, chủ sở hữu không thể ngăn cấm người khác tạo ra hoặc sử dụng các thiết kế trùng hoặc tương tự, dẫn đến cơ chế bảo hộ cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng yếu hơn so với kiểu dáng công nghiệp.
- Ngược lại, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ độc quyền về mặt nội dung và ý tưởng sáng tạo. Điều này cho phép chủ sở hữu có quyền độc quyền khai thác và sử dụng kiểu dáng công nghiệp, đồng thời có quyền ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng đó. Do đó, cơ chế bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp mạnh hơn so với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Trên đây là bài viết “Phân biệt tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp”mà VCD gửi
đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,