Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin ông bầu H.T – quản lý của ca sĩ Đ.T kiện ba ca sĩ Việt là T.T, D.E và B.C vì vấn đề bản quyền. Vậy vụ việc này dưới góc nhìn Luật Sở hữu trí tuệ nói chung sẽ như nào? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của VCD.
1. Toàn cảnh vụ việc
Vào cuối năm 2022, quản lý Đ.T từng cho biết D.E xin phép cover 3 ca khúc Mưa trên cuộc tình, Tình đơn phương, Cuộc tình trong cơn mưa nhưng chỉ đồng ý cho nam ca sĩ đăng tải bản thu âm lên YouTube, không đồng ý việc sử dụng nhằm mục đích biểu diễn. Theo ông H.T, cả 3 ca khúc này đều được D.E biểu diễn ở nhiều show khác nhau mà không có sự xin phép. Vụ việc cũng xảy ra tương tự với ca sĩ T.T và B.C.
Quản lý của ca sĩ Đ.T khẳng định dù đã nhắc nhở nhưng một số ca sĩ vẫn ngang nhiên sử dụng. Chính vì vậy, phía quản lý của ca sĩ Đ.T đã thông qua luật sư để tiến hành khởi kiện ra tòa án các ca sĩ như D.E, T.T, B.C. Bên cạnh đó, YouTube cũng đã gỡ các bài sử dụng trái phép.
Sau khi đăng tải thông tin lên trang cá nhân, quản lý của T.T đã liên hệ xin lỗi và chịu chi phí thuê luật sư nên quản lý của ca sĩ Đ.T rút đơn khởi kiện.
Sau đó, chiều 30-10, đơn vị quản lý kênh YouTube của ca sĩ B.C – cũng đã liên hệ phía công ty của ca sĩ Đ.T để xin lỗi và chịu trả phần chi phí thuê luật sư nên cũng rút đơn khởi kiện.
Riêng trường hợp của D.E, ông bầu H.T cho biết sẽ kiện đến cùng với lý do nhiều lần liên hệ mà không có phản hồi.
2. Vấn đề pháp lý đặt ra
2.1. Ca sĩ Đ.T có quyền đối với 3 tác phẩm này không?
Thời kỳ thập niên 90s, 00s nhạc Hoa lời Việt như là 1 cơn sốt càn quét khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam tại nước ta. Có thể nói, mọi đầu báo, truyền thông, Radio và thói quen nghe nhạc của người dân lúc bấy giờ luôn ưu tiên các bản nhạc Hoa lời Việt. Hòa cùng với xu hướng đó, không thể không kể đến ca sĩ Đ.T với những tác phẩm Mưa trên cuộc tình, Tình đơn phương, Cuộc tình trong cơn mưa đã làm xao xuyến biết bao thế hệ. Một hai năm trở lại đây, sức hút của các bản nhạc Hoa lời Việt như được bùng nổ trở lại với sự thể hiện của nhiều ca sĩ trẻ, kéo theo đó là sức hút của các bản nhạc xưa. Nhưng thật không may, song song với sự trở lại đầy mạnh mẽ này lại xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến bản quyền âm nhạc. Vậy, trước hết ca sĩ Đ.T có quyền đối với 3 tác phẩm này không?
Về phần nhạc, cả ba tác phẩm này đều có nguồn gốc là nhạc Hoa. Còn về phần lời, cả ba tác phẩm đều được phổ cập thành lời Việt. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, cả ba tác phẩm này đều là tác phẩm phái sinh (khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ) và thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Về cơ bản, một tác phẩm không cần phải đăng ký quyền tác giả mới được pháp luật bảo vệ mà quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
- Trường hợp ca sĩ Đ.T chứng minh những tác phẩm này đã được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu để làm tác phẩm phái sinh và chứng minh được là tác giả hoặc chủ sở hữu của ba tác phẩm phái sinh trên thì ca sĩ Đ.T có quyền đối với 3 tác phẩm. Và một trong những căn cứ thuyết phục nhất để chứng minh quyền của mình là Giấy chứng nhận quyền tác giả, nếu không có Giấy chứng nhận đăng ký thì ca sĩ Đ.T sẽ phải chứng minh mình là tác giả hoặc là chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm bằng rất nhiều tài liệu, chứng cứ thể hiện rõ thời điểm hoàn thành tác phẩm và độ tin cậy của các tài liệu, chứng cứ này trước cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Trường hợp ca sĩ Đ.T không chứng minh được những tác phẩm trên được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu để làm tác phẩm phái sinh và chứng minh được là tác giả hoặc chủ sở hữu của ba tác phẩm phái sinh trên thì sẽ không có quyền đối với ba bài hát này và không có cơ sở để kiện ba ca sĩ trên.
2.2. Ca sĩ T.T, D.E và B.C có quyền hát ba tác phẩm trên không?
Theo như tìm hiểu, cuối năm 2022, quản lý của ca sĩ Đ.T đã đồng ý cho ba ca sĩ trên đăng tải bản thu âm ba bài hát Mưa trên cuộc tình, Tình đơn phương và Cuộc tình trong cơn mưa nhưng không đồng ý việc sử dụng nhằm mục đích biểu diễn. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
“a) Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Như vậy, theo Luật Sở hữu trí tuệ, ba ca sĩ trên có quyền hát các ca khúc này mà không cần phải xin phép, tuy nhiên phải trả phí bản quyền cho tác giả hoặc chủ sở hữu bài hát kể từ khi sử dụng, và mức tiền sẽ được quyết định theo thỏa thuận hai bên, trường hợp không đạt được thỏa thuận thì sẽ căn cứ theo khoản 3 Điều 34 Nghị định 17/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan:
“3. Tỷ lệ phân chia tiền bản quyền trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ thực hiện theo thoả thuận của chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình đó. Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện phân chia theo tỷ lệ như sau: Chủ sở hữu quyền tác giả hưởng 50%, người biểu diễn hưởng 25%, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình hưởng 25% trên tổng số tiền bản quyền thu được”.
2.3. Việc ca sĩ Đ.T và công ty chủ quản yêu cầu YouTube gỡ các video của D.E có sử dụng ba bài hát trên là đúng hay sai?
Sau khi nhận được lời xin lỗi từ ca sĩ T.T và B.C, phía công ty chủ quản của ca sĩ Đ.T đã có thái độ tích hơn và thu hồi đơn khởi kiện. Tuy nhiên, điều này lại không được áp dụng với phía ca sĩ D.E. Vì vậy, ông bầu H.T có một câu nói đanh thép “quyết kiện đến cùng” và yêu cầu ca sĩ D.E gỡ bỏ các video sử dụng bài hát trên YouTube.
Theo như tìm hiểu, để có thể sử dụng ba bài hát Mưa trên cuộc tình, Tình đơn phương, Cuộc tình trong cơn mưa, công ty chủ quản của ca sĩ Đ.T và ca sĩ D.E phải có Hợp đồng dịch vụ riêng, theo đó phải quy định cụ thể các điều khoản liên quan đến sử dụng ba bài hát trên. Tuy nhiên, phía ca sĩ D.E vẫn “ngang nhiên” sử dụng và biểu diễn tại các liveshow ca nhạc, đăng tải lên YouTube đã chạm vào “vảy ngược” của đại diện công ty chủ quản của ca sĩ Đ.T, khiến ông bầu H.T yêu cầu YouTube gỡ bỏ video có sử dụng ba bài hát trên. Liệu điều này có đang xâm phạm quyền theo thỏa thuận Hợp đồng của hai bên?
Mặc dù, có thể trong trường hợp này, phía ca sĩ D.E đã có vi phạm, nhưng chưa chắc hành vi yêu cầu YouTube gỡ bỏ bài hát của ông bầu H.T đã đúng vì nếu đã vi phạm thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật và ông bầu H.T cũng như công ty chủ quản của ca sĩ Đ.T chỉ có thể yêu cầu gỡ bỏ nếu điều này được đề cập trong Hợp đồng giữa hai bên. Như vậy, cần nhấn mạnh một điều là các bên khi đã tham gia quan hệ Hợp đồng thì cần phải có sự tôn trọng và tuân thủ các quy định mà mình đã thỏa thuận.
3. Kết luận
Vụ việc trên chưa biết ai đúng ai sai, nhưng có thể thấy là quyền tác giả (hay bản quyền) đang ngày càng được tôn trọng và được pháp luật quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả và chủ sở hữu. Tuy nhiên, đây là một trong những vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi nghệ sĩ và công ty chủ quản có đủ kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền tác giả, hạn chế xảy ra những vụ việc như trên.
Trên đây là bài viết: “Phân tích vụ việc quản lý ca sĩ Đ.T kiện 3 ca sĩ Việt”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.