Trong lĩnh vực điện ảnh, sự sáng tạo và tâm huyết của các nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt trong thời địa số hóa hiện nay nơi thông tin và nội dung dễ dàng được chia sẻ và tiếp cận, việc bảo vệ bản quyền trở thành một thách thức lớn đối với ngành công nghiệp điện ảnh. Tình trạng quay lén, chụp ảnh trong các rạp chiếu phim sau đó đăng lên các trạng mạng xã hội ngày càng phổ biến. Vậyquay lén phim trong rạp có vi phạm bản quyền không? Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn.
1. Quay lén có phải là hành vi sao chép hay không?
Quay lén phim trong rạp là hành vi sử dụng các thiết bị ghi hình, ghi âm (như camera, microphone) để ghi lại hình ảnh, âm thanh của tác phẩm điện ảnh mà không có sự đồng ý và thông báo trước.
Căn cứ theo khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đưa ra khái niêm về sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Ngoài ra theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ hành vi sao chép tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trừ trường hợp để nghiên cứu cá nhân thì được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Đồng thời căn cứ theo Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình cho thấy hành vi này được xem xét là một hình thức sao chép tác phẩm ghi hình vì nó tạo ra một bản sao khi chưa được sự đồng ý của nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc livestream hoặc quay lén phim tại rạp chiếu không chỉ vi phạm quyền tác giả mà còn gây thiệt hại cho nhà sản xuất. Các hành vi này thường bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và có thể bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hànhtùy vào mức độ và thiệt hại mà nhà sản xuất phải đối mặt.
Do đó hành vi quay lén phim trong rạp được xem là hành vi xâm phạm bản quyền.

2. Mức xử phạt đối với hành vi quay lén phim trong rạp.
- Theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”
Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về khung phạt tiền với cá nhân và tổ chức như sau:
Khung phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5; Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, việc quay lén phim chiếu rạp thì có thể bị phạt lên tới 35.000.000 đồng với cá nhân và 70.000.000 đồng với trường hợp là tổ chức. Đồng thời phải bị buộc dỡ các bản quay lén hoặc tiêu hủy toàn bộ tang vật tùy vào từng trường hợp
- Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) người có hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
“1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.”
Do đó, hành vi quay lén phim chiếu rạp có thể bị phạt tiền lên đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Như vậy, quay lén phim chiếu rạp lên mạng xã hội thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là bài viết “Quay lén phim trong rạp có vi phạm bản quyền không?” mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,