Hiện nay, việc chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan giữa các chủ thể là cá nhân, tổ chức diễn ra rất phổ biến. Quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả là đối tượng được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, để sử dụng và bảo hộ các quyền này cần có sự cho phép của chủ thể mang quyền thông qua hoạt động chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan. Pháp luật hiện hành cũng có những quy định cụ thể về hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

1. Khái quát về hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ) quy định quyền tác giả là “quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Theo khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền liên quan) là “quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”.

Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan là người được hưởng các quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu có thể tự mình sử dụng hoặc cho người khác sử dụng; họ cũng có quyền định đoạt, chuyển giao quyền sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đó cho người khác. Chủ sở hữu có thể định đoạt một số quyền thuộc quyền sở hữu của mình thông qua việc từ bỏ, để kế thừa hoặc chuyển nhượng các quyền năng đó cho người khác thông qua hợp đồng.

Khoản 1 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ quy định chung về chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan như sau: “Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật này cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Như vậy có thể hiểu, hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là văn bản thể hiện sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Theo đó, bên chuyển nhượng là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu một hoặc một số quyền nhân thân, quyền tài sản của mình cho bên nhận chuyển nhượng là cá nhân, tổ chức theo hình thức, phạm vi, thời hạn… được hai bên xác định trong hợp đồng.

2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Hợp đồng quyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là hợp đồng dân sự đặc biệt. Bên cạnh đặc điểm của hợp đồng dân sự như mang tính chất song vụ, ưng thuận; có đền bù hoặc không có đền bù thì hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả còn có các đặc điểm riêng sau:

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan có đối tượng là quyền nhân thân và quyền tài sản. Nếu như đối tượng của hợp đồng dân sự chỉ có thể là tài sản hoặc công việc thì đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan còn có đối tượng là quyền nhân thân. Thông thường quyền nhân thân này là quyền nhân thân gắn với tài sản và theo quy định của pháp luật có thể chuyển giao được. Tuy nhiên quyền nhân thân là một đối tượng rất hạn chế và chỉ có một số quyền nhân thân nhất định được pháp luật quy định mới có thể trở thành đối tượng của hợp đồng này.

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả quyền liên quan là hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu: Do đối tượng của hợp đồng là những quyền năng mang tính chất vô hình nên việc “chuyển giao” ở đây thể hiện sự chuyển giao về mặt pháp lí. Bên được chuyển nhượng sẽ được sở hữu đối với đối tượng của hợp đồng kể từ một trong ba thời điểm sau: (1) thời điểm hợp đồng có hiệu lực; (2) thời điểm các bên có thoả thuận khác; (3) pháp luật có quy định khác. Cũng kể từ thời điểm chuyển giao đó, bên chuyển nhượng sẽ chấm dứt tư cách chủ sở hữu đối với các quyền đã chuyển giao. Do vậy, sau khi chuyển nhượng, bên chuyển nhượng không có quyền sử dụng cũng như định đoạt các quyền năng đó.

3. Nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Theo Điều 46 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

1. Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

b) Căn cứ chuyển nhượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

2. Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.

Ở đây, hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan cũng mang đặc trưng của một hợp đồng dân sự, bao gồm: tên, địa chỉ của hai bên; căn cứ chuyển nhượng; giá cả, phương thức thanh toán; quyền và nghĩa vụ của các bên và trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng xảy ra. Vì vậy, việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Cần lưu ý là giá của nghệ thuật nói chung và giá trị của tác phẩm nói riêng không thể định lượng như vật chất được mà tùy thuộc vào yếu tố chủ quan, khách quan, khả năng cảm nhận, đánh giá của các bên… để đưa ra con số hợp lý trong hợp đồng.

Ngoài ra, Luật sở hữu trí tuệ cũng có quy định mới về trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì “việc chuyển nhượng phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác” (khoản 3 Điều 45). Bên cạnh đó, trường hợp tổ chức, cá nhân đang quản lý tác phẩm khuyết danh thì vẫn được quyền chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh cho tổ chức, cá nhân khác và được hưởng thù lao từ việc chuyển nhượng quyền đó. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền này chỉ được hưởng quyền của chủ sở hữu đến khi danh tính của tác giả được xác định.

Trên đây là bài viết: “Quy định pháp luật về hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan”. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.