Trong đời sống xã hội hiện nay, việc đăng ký quyền tác giả ngày càng được coi trọng, nhất là khi thực trạng xâm phạm quyền tác giả diễn ra ngày một phức tạp. Vì vậy, việc nắm chắc quy trình và những tài liệu cần thiết khi đăng ký quyền tác giả rất quan trọng. Cụ thể sẽ được thể hiện trong bài viết dưới đây.
1. Đăng ký quyền tác giả là gì?
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Do vậy, quyền tác giả (hay bản quyền) là một loại quyền sở hữu trí tuệ được cấp cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả để kiểm soát việc sao chép, sử dụng, phân phối và trình bày tác phẩm của họ để bảo vệ tác phẩm khỏi việc sao chép hoặc sử dụng mà không được phép.
Như vậy, có thể hiểu đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cục bản quyền tác giả) để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Căn cứ phát sinh quyền tác giả và điều kiện đăng ký bản quyền tác giả đối với chủ thể đăng ký
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Pháp luật Việt Nam chỉ bảo hộ tác phẩm khi chúng được hình thành dưới dạng vật chất nhất định như giấy viết,… và phải đảm bảo tác phẩm đó là công sức sáng tạo của tác giả, không sao chép hoặc bắt chước tác phẩm khác.
Căn cứ theo quy định từ Điều 37 đến Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả:
- Tác giả, các đồng tác giả,
- Tổ chức – cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả,
- Người thừa kế, người được chuyển giao quyền, Nhà nước.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Quy trình đăng ký bản quyền tác giả
3.1. Xác định loại hình tác phẩm đăng ký
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; Tác phẩm báo chí; Tác phẩm âm nhạc; Tác phẩm sân khấu; Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh); Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng; Tác phẩm nhiếp ảnh; Tác phẩm kiến trúc; Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Điều 14 còn quy định: Tác phẩm phái sinh (Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn) chỉ được bảo hộ theo quy định tại điểm a nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh
Ngoài ra, tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác và bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
3.2. Chuẩn bị hồ sơ
Để đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm, tác giả cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu như sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả (theo mẫu tương ứng tại Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 06 năm 2023 Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan). Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên. Tờ khai cần ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan. Tờ khai cần có tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả:
01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả và 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
- Với tác phẩm viết: 02 quyển trên giấy A4 có đánh số trang và chữ ký của tác giả vào từng trang hoặc dấu giáp lai công ty;
- Với chương trình máy tính: 02 bản in mã nguồn + giao diện phần mềm trên giấy A4 + 02 đĩa CD có nội dung mã nguồn và giao diện trên đó;
- Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: 02 bản in trên giấy A4 tác phẩm có chữ ký hoặc dấu của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
- Đối với tác phẩm âm nhạc: 02 bản in phần nhạc + lời hoặc bản ghi âm (thu âm) trong trường hợp đã ghi âm;
- Đối với tác phẩm kiến trúc: 02 bản vẽ trên giấy A3
- Giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng ủy quyền, trường hợp bên ủy quyền là cá nhân thì văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (nếu chủ sở hữu là công ty).
Tất cả các tài liệu nộp kèm đơn đăng ký quyền tác giả phải được làm bằng tiếng Việt, trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng hoặc chứng thực.
3.3. Nộp hồ sơ
Hiện nay có ba con đường để nộp hồ sơ, bao gồm nộp trực tiếp, nộp qua đường bưu điện và nộp trực tuyến, cụ thể như sau:
- Khi nộp trực tiếp hồ sơ, tác giả hoặc chủ sở hữu có thể nộp đến các địa chỉ sau:
- Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội.
- Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh.
- Văn phòng đại diện tại TP. Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
- Khi nộp qua đường bưu điện, tác giả hoặc chủ sở hữu có thể nộp đến địa chỉ: Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội.
- Khi nộp trực tuyến, tác giả hoặc chủ sở hữu có thể nộp qua cổng dịch vụ trực tuyến: http://dichvucong.gov.vn/
3.4. Theo dõi phản hồi của Cục Bản quyền
Để nộp bộ hồ sơ chính xác và hoàn chỉnh để đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm thường sẽ mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi tác giả và chủ sở hữu phải thận trọng trong việc chuẩn bị hồ sơ. Hồ sơ trong quá trình nộp và sau khi nộp thành công sẽ được các chuyên viên thẩm định và rà soát kỹ lưỡng, trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì chuyên viên Cục bản quyền sẽ hướng dẫn chỉnh sửa thông qua mail hoặc điện thoại; trường hợp hồ sơ hợp lệ thì tác giả và chủ sở hữu sẽ nhận được giấy tiếp nhận hồ sơ.
3.5. Nhận kết quả
Sau khi hồ sơ được thẩm định và xác nhận và hợp lệ và đầy đủ, Cục bản quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho chủ sở hữu để ghi nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu. Thời gian thường sẽ kéo dài 02 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ, bao gồm 01 tháng để phân loại và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc (không tính thứ 7 và chủ nhật), Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
4. Kết luận
Tùy vào từng loại hình và các mối quan hệ xoay quanh tác phẩm mà các tài liệu trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả là khác nhau, ví dụ tác phẩm được sáng tạo ở Việt Nam nhưng chủ sở hữu là pháp nhân ở nước ngoài. Vì vậy, để chuẩn bị một hồ sơ hợp lệ thì tác giả và chủ sở hữu phải có kiến thức và chuyên môn, nếu không thì phải ủy quyền cho tổ chức hoặc cá nhân khác có kinh nghiệm để chuẩn bị và theo dõi quá trình nộp hồ sơ tại Cục bản quyền.
Trên đây là bài viết “Quy trình đăng ký bản quyền tác giả tại Việt Nam”. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn.