Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được pháp luật quy định có trách nhiệm ngăn chặn truy nhập hoặc gỡ bỏ đối với những thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Vậy, quy trình gỡ bỏ và ngăn chặn truy nhập thông tin đó được pháp luật quy định ra sao và diễn ra như thế nào?
1. Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Theo Điều 113 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải thực hiện gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan với các bước cụ thể như sau:
- Phải xử lý trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc Cục Bản quyền tác giả;
- Có trách nhiệm thông báo cho bên có nội dung thông tin số bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập; và
- Phải báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan đã gửi yêu cầu chậm nhất là 24 giờ sau khi xử lý yêu cầu.
Việc thông báo, báo cáo quy định tại khoản này được thực hiện bằng hình thức gửi văn bản, gửi thư điện tử hoặc hình thức tương tự khác.
2. Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan
Theo Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, quy trình xử lý khi nội dung thông tin số bị yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn là quy trình xoay quanh ba bên, bao gồm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu”, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy cập thông tin (sau đây gọi là “bên yêu cầu”) và bên có nội dung thông tin số bị yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn (sau đây gọi là “bên bị yêu cầu”).
Doanh nghiệp trung gian khi nhận được yêu cầu từ chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là “bên yêu cầu”) kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh thông qua công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của doanh nghiệp đó thì doanh nghiệp trung gian phải thực hiện những công việc sau:
Bước 1: Trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn và phải thông báo cho bên yêu cầu và bên có nội dung thông tin số bị yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn (sau đây gọi là “bên bị yêu cầu”) về việc đã tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên yêu cầu cung cấp.
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số và thông báo cho bên yêu cầu và bên bị yêu cầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian:
- Trường hợp 1: Phải gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó nếu không nhận được thông báo yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên bị yêu cầu cung cấp;
- Trường hợp 2: Nếu nhận được thông báo yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên bị yêu cầu cung cấp, trong vòng 72 giờ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khôi phục lại nội dung thông tin số đã bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn, đồng thời chuyển tiếp cho bên yêu cầu văn bản yêu cầu phản đối kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên bị yêu cầu cung cấp.
Bước 3: Khi trường hợp 2 nêu trên xảy ra, kể từ khi chuyển tiếp tài liệu, chứng cứ cho bên yêu cầu mà bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu không tiến hành khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm hoặc Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền không quyết định thụ lý đơn theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian duy trì khôi phục nội dung thông tin số đã bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn. Trường hợp Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thụ lý đơn của bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đối với nội dung thông tin số được phát trực tiếp theo thời gian thực, trường hợp chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh tới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trước khi phát trực tiếp tối thiểu 24 giờ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thực hiện như sau:
- Ngay lập tức tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số khi nhận được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn và phải thông báo cho bên yêu cầu và bên bị yêu cầu về việc đã tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên yêu cầu đã cung cấp;
- Tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật đã được nêu trong Bước 2 và Bước 3 ở trên.
Trong khi thực hiện việc gỡ bỏ, ngăn chặn thông tin số theo quy trình nêu trên, việc thông báo, gửi, chuyển tiếp tài liệu chứng cứ, chứng minh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, bên yêu cầu và bên bị yêu cầu được thực hiện bằng hình thức gửi thư điện tử hoặc hình thức tương tự khác.
Trên đây là bài viết “Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập thông tin của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi có yêu cầu của bên khác?”. Mong bài viết này có ích đối với quý bạn đọc.
Trân trọng.