Luật Sở hữu trí tuệ không chỉ bảo hộ đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học mà còn bảo hộ các đối tượng khác như cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được bảo hộ quyền tác giả, trong khi đó, việc bảo hộ những đối tượng bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa không được gọi là bảo hộ quyền tác giả mà được gọi là bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi tắt là quyền liên quan).

1. Khái niệm và đặc điểm của quyền liên quan

Theo Khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.”

Quyền liên quan được hiểu là những quyền sau:

  • Quyền của người biểu diễn đối với chương trình biểu diễn của họ;
  • Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình đối với bản ghi âm, ghi hình của họ;
  • Quyền của tổ chức phát sóng đối với chương trình phát sóng của họ.

Quyền liên quan có sự gắn bó mật thiết đối với quyền tác giả, được thể hiện ngay từ trong tên gọi. Để hiểu thêm mối tương quan giữa quyền tác giả và quyền liên quan, bài viết xin làm rõ những đặc điểm sau của quyền liên quan:

Thứ nhất, quyền liên quan là quyền phái sinh. Quyền liên quan được hình thành từ việc sử dụng tác phẩm gốc, ví dụ như một bộ phim được làm dựa trên nội dung của một cuốn tiểu thuyết. Những người tạo nên những tác phẩm mới đó sử dụng kỹ năng đặc biệt của họ (chất giọng, diễn xuất,…) để tạo nên sự đặc sắc riêng cho tác phẩm và truyền tải trực tiếp tác phẩm tới công chúng, đưa tác phẩm họ làm ra và tác phẩm gốc được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, khác với các tác phẩm phái sinh khác (ví dụ như tác phẩm dịch), các tác phẩm mới được tạo ra đã không còn là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của quyền tác giả.

Thứ hai, đối tượng được bảo hộ có tính nguyên gốc. Các tác phẩm phải thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, phản ánh dấu ấn riêng của chủ thể quyền liên quan. Việc thể hiện sự sáng tạo, độc đáo không có nghĩa là làm sai lệch tác phẩm gốc của tác giả. Bên cạnh đó, quyền liên quan chỉ phát sinh đối với các đối tượng được tạo ra lần đầu (định hình lần đầu) dưới sự cho phép của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. Các bản sao định hình tác phẩm mà không có sự đồng ý của các chủ sở hữu bản quyền thì đều được coi là không hợp pháp và không được pháp luật bảo hộ.

Thứ ba, quyền liên quan có thời gian bảo hộ hạn chế, ngay cả đối với quyền nhân thân. Các điều ước quốc tế và luật các quốc gia thường quy định thời hạn bảo hộ đối với quyền liên quan là 20 năm đến 50 năm kể từ khi đối tượng được định hình hoặc công bố. Sự hạn chế này nhằm đảm bào cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu và lợi ích cộng đồng, khuyến khích sáng tạo.

Thứ tư, quyền liên quan được bảo hộ độc lập nhưng việc bảo hộ quyền liên quan luôn phải xem xét trong mối quan hệ với quyền tác giả. Việc bảo hộ quyền liên quan không được gây phương hại đến quyền tác giả, không thể bảo hộ quyền liên quan của một tác phẩm nếu như việc hình thành tác phẩm đó có sự vi phạm quyền tác giả. Mặt khác, điều đó không có nghĩa là việc bảo hộ quyền liên quan phải thực hiện sau khi bảo hộ quyền tác giả mà quyền liên quan và quyền tác giả được bảo hộ đồng thời, đồng bộ với nhau.

2. Những đối tượng được bảo hộ quyền liên quan

Các đối tượng được bảo hộ quyền liên quan theo quy định tại Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

“1. Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;

b) Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;

c) Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật này;

d) Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật này;

đ) Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;

b) Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam;

b) Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa chỉ được bảo hộ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.”

Trên đây là bài viết “Quyền liên quan đến quyền tác giả là gì và những đối tượng được bảo hộ quyền liên quan”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng!