Bài giảng, bài phát biểu và các bài nói là những đối tượng thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống, vô cùng quen thuộc với mọi người. Bài giảng, bài phát biểu và các bài nói được thể hiện bằng ngôn ngữ, được truyền đạt bằng phương thức nói và được hình thành qua quá trình tư duy trí tuệ của người nói để truyền tải những nội dung cụ thể cho người tiếp nhận. Vậy bài giảng, bài phát biểu, các bài nói khác có là đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ hay không và tác giả có các quyền nào đối với các đối tượng này, sau đây là phần trình bày của chúng tôi.
1. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là gì?
Theo Điều 6 Khoản 2 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.
Bài giảng được hiểu là bài trình bày sử dụng các phương pháp, kĩ năng sư phạm để cung cấp kiến thức về một vấn đề cụ thể được truyền đạt trực tiếp cho người nghe. Bài giảng được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định bằng bất kỳ phương thức định hình nào.
Bài phát biểu được hiểu là các bài diễn thuyết hay bài trình bày chính thức ở trong một hoàn cảnh cụ thể nhân sự kiện đặc biệt nào đó được tổ chức.
Bài nói khác là các tác phẩm nói có bản chất tương tự như các tác phẩm nêu trên, bao gồm cả các bài thuyết giáo.
Các bài giảng, bài phát biểu và các bài nói khác là các tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới hình thức vật chất nhất định, như được ghi âm lại hoặc/và được lưu hành thành văn bản.
2. Điều kiện bảo hộ quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, để bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được bảo hộ quyền tác giả cần đáp ứng những điều kiện sau:
Thứ nhất, là thành quả của hoạt động sáng tạo tinh thần. Theo đó, các tác phẩm này phải là kết quả của quá trình lao động trí tuệ, suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, phản ánh tư tưởng, tình cảm của người sáng tạo.
Thứ hai, có tính sáng tạo (nguyên gốc). Theo khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm được bảo hộ “phải do tác giả trực tiếp sáng tạo ra bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác”. Do vậy, tính sáng tạo ở đây đòi hỏi tác phẩm phải do chính tác giả tạo ra, mang đặc trưng riêng.
Thứ ba, tác phẩm phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Có thể bằng văn bản hoặc các tệp file, băng đĩa, bản ghi âm, ghi hình… Trong trường hợp bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác không được thể hiện dưới một hình thức vật chất nào thì sẽ không được công nhận và được bảo hộ theo quy định của pháp luật.
3.Quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu và bài nói
Trong trường hợp tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, cụ thể là quyền nhân thân và quyền tài sản được quy định tại Điều 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ:
- Quyền nhân thân
- Đặt tên cho bài giảng, bài phát biểu và bài nói;
- Đứng tên thật hoặc bút danh khi bài giảng, bài phát biểu và bài nói được công bố, sử dụng;
- Công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến bài giảng, bài phát biểu, bài nói của mình;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của bài giảng, bài phát biểu, bài nói, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của mình.
- Quyền tài sản
- Được hưởng nhuận bút – khoản tiền do tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm trả cho tác giả khi tác phẩm được khai thác, sử dụng;
- Được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng;
- Được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê và bất kỳ hình thức truyền tải nào khác; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.
Trên đây là bài viết “Quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,