Sưu tập dữ liệu là một trong các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của các Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam. Ví dụ, một người đã sưu tầm những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ khắp mọi miền đất nước và sắp xếp chúng theo từng chủ đề, tập hợp thành một cuốn sách lấy tên “Ca dao, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” thì cuốn sách đó được bảo hộ dưới loại hình sưu tập dữ liệu. Để tìm hiểu rõ hơn về việc sưu tập dữ liệu được bảo hộ quyền tác giả như thế nào tại Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này tới quý độc giả.
1.Quy định về bảo hộ sưu tập dữ liệu theo một số Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ
Các Công ước quốc tế quan trọng về quyền tác giả, bao gồm Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (sửa đổi năm 1971), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1994 và Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT) năm 1996 đều công nhận bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu.
Tại Khoản 5 Điều 2 Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sưu tập dữ liệu được quy định như sau: “Các tuyển tập, các tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật, ví dụ như bộ Bách khoa từ điển và các hợp tuyển mà việc tuyển chọn hoặc sắp xếp nội dung là thành quả của hoạt động trí tuệ, đều phải được bảo hộ như nó vốn có, miễn không phương hại quyền tác giả của các tác phẩm tạo nên các tuyển tập này”.
Bên cạnh đó, Điều 10 Khoản 2 của Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ năm 1994 quy định: “Các sưu tập dữ liệu hoặc tư liệu khác, dù dưới dạng đọc được bằng máy hay dưới dạng khác, mà việc tuyển chọn hoặc sắp xếp nội dung là thành quả của hoạt động trí tuệ đều phải được bảo hộ như nó vốn có. Việc bảo hộ nói trên, với phạm vi không bao hàm chính các dữ liệu hoặc tư liệu đó, không được làm ảnh hưởng tới bản quyền đang tồn tại đối với chính dữ liệu hoặc tư liệu đó”.
Ngoài ra, Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (1996) cũng đề cập tới việc bảo hộ sưu tập dữ liệu tại Điều 5, cụ thể là: “Các dữ liệu hoặc tư liệu khác được sưu tập dưới bất kỳ hình thức nào, mà tạo nên những sáng tạo trí tuệ, thì được bảo hộ. Sự bảo hộ này không dành cho chính bản thân dữ liệu hoặc tư liệu đó và không làm phương hại đến bất kỳ quyền tác giả nào đang tồn tại đối với dữ liệu hoặc tư liệu trong sưu tập đó”.
Việt Nam đã là thành viên của các công ước nêu trên và đã nội luật hóa các quy định nêu trên trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
2.Quy định về bảo hộ sưu tập dữ liệu theo pháp luật Việt Nam
Sưu tập dữ liệu là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, được ghi nhận tại Điểm m Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo Điều 22 Khoản 2 Luật Sở hữu trí tuệ, sưu tập dữ liệu là “tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác.” Ví dụ, một người có thể tập hợp và xuất bản các truyện ngắn của bản thân, lấy tên là “Tuyển tập truyện ngắn của tác giả A”; hoặc một người có thể sưu tầm ảnh phong cảnh mây vùng Tây Bắc của nhiều tác giả khác nhau và tạo thành một tuyển tập ảnh có tên “Mây Tây Bắc”. Hiện nay, các cơ sở dữ liệu điện tử cũng được bảo hộ quyền tác giả dưới dạng sưu tập dữ liệu. Tác giả của sưu tập dữ liệu có thể là tác giả hoặc không phải là tác giả của các tư liệu thuộc sưu tập dữ liệu đó, mà chỉ là người sưu tầm, sắp xếp các tư liệu có được theo một thứ tự nhất định.
Tác giả của sưu tập dữ liệu sẽ có đủ quyền nhân thân và quyền tài sản đối với sưu tập dữ liệu đó, cụ thể:
- Đặt tên cho tác phẩm sưu tập dữ liệu;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm sưu tập dữ liệu; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm sưu tập dữ liệu;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sưu tập dữ liệu, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào;
- Phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao tác phẩm;
- Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm;
Bên cạnh đó, Điều 22 Khoản 2 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó. Do đó, có thể hiểu rằng quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu và quyền tác giả đối với các tư liệu thuộc sưu tập dữ liệu là độc lập với nhau, bên cạnh đó việc thự hiện, hình thành tác phẩm sưu tập dữ liệu không được làm phương hại đến quyền tác giả của các tư liệu trong tác phẩm sưu tập dữ liệu.
Trên đây là bài viết “Quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng