Điện ảnh là loại hình nghệ thuật trẻ, bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX nhưng có tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng, đáp ứng thị hiếu nghệ thuật của con người. Sau hơn 1 thế kỷ phát triển, điện ảnh không chỉ đem lại những giá trị văn hóa, nghệ thuật cho con người mà còn trở thành nền công nghiệp lớn mạnh, có giá trị kinh tế cao. Mỗi tác phẩm điện ảnh đều phản ánh sự sáng tạo của những người làm nên nó, thể hiện ở các yếu tố như nội dung kịch bản, diễn xuất của các diễn viên, sự sắp đặt của đạo diễn, âm nhạc, khung cảnh, kỹ xảo,…Mỗi tác phẩm điện ảnh đều là thành quả sau khoảng thời gian lao động, sáng tạo tâm huyết của một tập thể. Vậy, thành quả sáng tạo đó được bảo vệ như thế nào? Bản quyền Việt Nam xin được làm rõ vấn đề trên thông qua bài viết Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh dưới đây.

1. Tác phẩm điện ảnh

Điện ảnh, môn nghệ thuật thứ bảy, là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, đặc trưng bởi việc kết hợp giữa kịch bản văn học, diễn xuất của diễn viên và việc sử dụng kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh, ánh sáng để tạo thành tác phẩm, gọi là nghệ thuật quay phim, dụng phim.  

Nhắc đến tác phẩm điện ảnh, mọi người đều đã quen thuộc với tên gọi “phim”. Về định nghĩa của phim, theo quy định tại Điều 3 Khoản 2 của Luật Điện ảnh:

“Phim là tác phẩm điện ảnh, có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh; được ghi trên các chất liệu, bằng kỹ thuật số hoặc phương tiện kỹ thuật khác và được phổ biến đến người xem, bao gồm các loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và phim kết hợp nhiều loại hình.

Phim không bao gồm sản phẩm ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; sản phẩm ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.”

Bên cạnh đó, Điều 12 Khoản 1 Nghị định 22/2018/NĐ – CP quy định: “Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bằng hình ảnh động kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.”

2. Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh

Theo Điều 21 Khoản 1 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 12 Nghị định 22/2018/NĐ – CP:

  • Biên kịch, đạo diễn được hưởng một số quyền nhân thân, đó là quyền đặt tên cho tác phẩm hoặc cho phép người nhận chuyển giao quyền tài sản đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
  • Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh là chủ sở hữu các quyền: quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, quyền làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác, phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có thể thỏa thuận với biên kịch, đạo diễn về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm.
  • Trường hợp kịch bản, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của kịch bản, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.

Trên đây là bài viết “Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.