Nghệ thuật kiến trúc là một loại hình nghệ thuật lâu đời và ngày càng phát triển phong phú, đa dạng trong đời sống hiện đại. Những tác phẩm kiến trúc không đơn thuần là những thiết kế xây dựng, chúng không chỉ mang lại giá trị sử dụng trên thực tế mà còn mang lại những giá trị nghệ thuật cho cộng đồng. Những tác phẩm kiến trúc được hình thành từ quá trình lao động trí tuệ, chứa đựng những giá trị sáng tạo riêng của tác giả, do đó tác phẩm kiến trúc cũng là một đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc sẽ được Bản quyền Việt Nam giải thích rõ trong bài viết dưới đây.

1. Tác phẩm kiến trúc được bảo hộ dưới hình thức nào?

Theo cách hiểu đơn giản, tác phẩm kiến trúc có thể là bản vẽ thiết kế, mô hình thiết kế, sa bàn không gian phối cảnh hoặc những công trình xây dựng. Tác phẩm kiến trúc thường thấy nhất chính là các công trình xây dựng mà hàng ngày chúng ta quan sát được. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, định nghĩa cụ thể của tác phẩm kiến trúc vẫn chưa được quy định rõ trong các văn bản luật.

Trong Điều 3 Luật Kiến trúc, các khái niệm “kiến trúc”, “thiết kế kiến trúc” và “công trình kiến trúc” được hiểu như sau:

“Kiến trúc là nghệ thuật và khoa học, kỹ thuật về tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội.”

“Thiết kế kiến trúc là việc lập phương án kiến trúc, thể hiện ý tưởng kiến trúc, giải pháp kỹ thuật về kiến trúc trong hồ sơ thiết kế quy hoạch, xây dựng, thiết kế nội thất, ngoại thất và kiến trúc cảnh quan.”

“Công trình kiến trúc là một hoặc tổ hợp công trình, hạng mục công trình được xây dựng theo ý tưởng kiến trúc hoặc thiết kế kiến trúc.”

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm kiến trúc là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả (Điều 14 Khoản 1 điểm i). Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã giải thích:

“Tác phẩm kiến trúc quy định tại điểm i khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm:

a) Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh.

b) Công trình kiến trúc.”

Như vậy, tác phẩm kiến trúc được bảo hộ quyền tác giả hiện nay chỉ bao gồm bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh và công trình kiến trúc.

2. Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc

Quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, được nêu rõ tại Theo Điều 15 Nghị định 22/2018/NĐ – CP và Điều 19, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Về tổng quan, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đều phải tuân theo những quy định chung dưới đây:

  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền nhân thân được phép chuyển nhượng và các quyền tài sản được pháp luật quy định. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nêu trên phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp những trường hợp ngoại lệ không vì mục đích thương mại được quy định tại khoản 3 Điều 20, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ. Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tác phẩm thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
  • Chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi:
    • Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
    • Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.

Trong đó, tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả sẽ được hưởng toàn bộ các quyền nhân thân và quyền tài sản đối thuộc quyền tác giả. Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng một số quyền nhân thân và chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm.

2.1. Trường hợp 1: Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân và quyền tài sản.

Các quyền nhân thân bao gồm:

  • Đặt tên cho tác phẩm. Tuy nhiên, tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản;
  • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
  • Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Các quyền tài sản bao gồm:

  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
  • Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào;
  • Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình.
  • Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;

2.2. Trường hợp 2: Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả

Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ, cụ thể là:

  • Đặt tên cho tác phẩm. Tuy nhiên, tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản;
  • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ, cụ thể là:

  • Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
  • Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào;
  • Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
  • Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;

Trên đây là bài viết “Quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng.