Nghệ thuật sân khấu là một loại hình nghệ thuật biểu diễn có lịch sử lâu đời. Nghệ thuật sân khấu đến nay đã được xây dựng và phát triển vô cùng phong phú từ số lượng loại hình đến số lượng tác phẩm, chỉ tính riêng tại Việt Nam đã có đến hơn 30 loại hình sân khấu truyền thống. Mỗi tác phẩm sân khấu đều thể hiện sự sáng tạo độc đáo của những người tạo ra nó, là kết quả của quá trình lao động tập thể trong một thời gian dài, từ xây dựng kịch bản, thiết kế sân khấu tới quá trình luyện tập và biểu diễn trước công chúng. Do đó, nhằm bảo hộ thành quả lao động của những người sáng tạo, việc chú trọng bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm sân khấu là cần thiết. Để tìm hiểu rõ ràng về quyền tác giả đối với tác phẩm sân khấu, Bản quyền Việt Nam đưa ra cho Quý độc giả nội dung cơ bản về vấn đề này trong bài viết.

1. Nghệ thuật sân khấu và tác phẩm sân khấu

Cùng với điện ảnh, nghệ thuật sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Có nghĩa là, sân khấu tổng hòa trong nghệ thuật của mình nhiều loại hình nghệ thuật khác, bao gồm nhưng không đồng thời bao gồm tất cả các loại hình văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, kiến trúc,…Ba chủ thể sáng tạo cơ bản tạo nên một tác phẩm sân khấu là nhà viết kịch, nhà đạo diễn và những người biểu diễn. Sân khấu truyền tải những nội dung, tư tưởng của tác phẩm tới người đọc bằng những hành động (hành động hình thể, hành động tâm lý, hành động ngôn ngữ) thông qua sự biểu đạt (diễn xuất) của người biểu diễn. Trong hành trình phát triển, nghệ thuật sân khấu được làm phong phú và hoàn thiện hơn qua việc sử dụng những yếu tố như kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng hiện đại, đem đến khả năng diễn đạt ấn tượng tác phẩm tới công chúng.

Dưới góc độ sở hữu trí tuệ, tác phẩm sân khấu là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 Khoản 1 Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Điều 11 Khoản 1 Nghị định 22/2018/NĐ – CP: “Tác phẩm sân khấu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.”

Những chủ thể được coi là các tác giả của tác phẩm sân khấu bao gồm tác giả kịch bản sân khấu, tác giả tác phẩm văn học, tác giả tác phẩm âm nhạc, đạo diễn sân khấu, chỉ huy âm nhạc, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, phục trang và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu. Riêng đối với người biểu diễn, quyền của người biểu diễn đối với tác phẩm được gọi là quyền liên quan mà không gọi là quyền tác giả.

2. Quyền tác giả đối với tác phẩm sân khấu

Theo Điều 21 Khoản 2, Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 11, Điều 29 Nghị định 22/2018/NĐ – CP:

Trường hợp 1: Trong trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn thì tác giả, người biểu diễn có đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản thuộc quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm. Nội dung các quyền được quy định cụ thể tại Điều 19, 20 và 29 Luật Sở hữu trí tuệ và được nêu rõ trong trường hợp dưới đây.  

Trường hợp 2: Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn không đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn thì tác giả, người biểu diễn có các quyền như sau:

  • Tác giả kịch bản sân khấu được hưởng các quyền nhân thân thuộc quyền tác giả, đó là quyền đặt tên cho tác phẩm hoặc cho phép người nhận chuyển giao quyền tài sản đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
  • Các tác giả khác của tác phẩm sân khấu, bao gồm tác giả tác phẩm văn học, tác giả tác phẩm âm nhạc, đạo diễn sân khấu, chỉ huy âm nhạc, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, phục trang và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để xây dựng tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, quyền làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác, phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản. Các tổ chức, cá nhân nêu trên có nghĩa vụ trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) theo hợp đồng với các tác giả kịch bản sân khấu và các tác giả khác của tác phẩm sân khấu.
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để xây dựng tác phẩm sân khấu có thể thỏa thuận với các tác giả của tác phẩm sân khấu về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm.
  • Trường hợp tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm sân khấu được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc đó được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.
  • Người biểu diễn được hưởng các quyền nhân thân thuộc quyền liên quan, bao gồm quyền được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của hình tượng biểu diễn không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
  • Chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn được hưởng các quyền tài sản thuộc quyền liên quan, bao gồm quyền định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình; sao chép cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào; phát sóng, truyền đạt đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình của mình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được, nghĩa là được quyền thực hiện việc phổ biến cuộc biểu diễn chưa được định hình đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào ngoài phát sóng; phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao bản định hình cuộc biểu diễn của mình dưới dạng hữu hình; cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trong bản ghi âm, ghi hình, kể cả sau khi được phân phối bởi người biểu diễn hoặc với sự cho phép của người biểu diễn; phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản định hình cuộc biểu diễn của mình, bao gồm cả cung cấp đến công chúng bản định hình cuộc biểu diễn theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.

Trên đây là bài viết “Quyền tác giả đối với tác phẩm sân khấu”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng