Quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh là một trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực quyền tác giả, bảo hộ cho những tác phẩm không xác định được tác giả khi công bố. Việc bảo hộ dành cho các tác phẩm này đã được đề cập đến trong hệ thống pháp luật về quyền tác giả trong suốt các giai đoạn khác nhau của luật. Một trong những vấn đề được thắc mắc trước tiên đó là quyền tác giả của tác phẩm khuyết danh thuộc về ai.

1. Tác phẩm khuyết danh là gì?

Việc ghi nhận quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh bắt đầu với việc đưa ra khái niệm, trên cơ sở đó xác định chủ thể quyền và các đặc trưng của việc bảo hộ dạng tác phẩm này. Nhìn chung, luật Việt Nam qua các thời kì đều coi tác phẩm khuyết danh là một bộ phận không thể thiếu trong chế định chung về quyền tác giả. Các thời kì sau đều có sự lặp lại quy định của thời kì trước và ghi nhận thêm một số thay đổi nhỏ, tạo sự khác biệt nhưng không nhiều.

Hiện nay, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan ghi nhận:

“Tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không hoặc chưa có tên tác giả (tên khai sinh hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.”

Đây có thể coi là khái niệm chính thức của luật hiện hành về tác phẩm khuyết danh.

2. Quyền sở hữu tác phẩm khuyết danh sẽ thuộc về ai?

Theo quy định tại Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước đối với các tác phẩm:

  • Tác phẩm khuyết danh, trừ trường hợp đã có cá nhân, tổ chức đang quản lý tác phẩm đó;
  • Tác phẩm còn thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả không tồn tại (Chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản);
  • Tác phẩm được Nhà nước nhận chuyển giao quyền sở hữu từ chủ sở hữu quyền tác giả.

Như vậy, Nhà nước sẽ trở thành chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh nếu không có cá nhân, tổ chức đang quản lý tác phẩm đó.

Tuy nhiên, khi thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm khuyết danh kết thúc theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền tác giả đối với những tác phẩm khuyết danh nói trên sẽ thuộc về công chúng theo Điều 43 Luật sở hữu trí tuệ.

“1. Tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ theo quy định tại Điều 27 của Luật này thì thuộc về công chúng.”

Vậy chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh là Nhà nước cho đến khi tác phẩm khuyết danh hết thời hạn bảo hộ. Sau khi hết thời hạn bảo hộ, quyền tác giả của tác phẩm khuyết danh sẽ thuộc về công chúng theo quy định của pháp luật,

Trên đây là bài viết “Quyền tác giả tác phẩm khuyết danh thuộc về ai?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,