Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, và TikTok, trào lưu làm video phản ứng (reaction video) đang trở nên rất phổ biển. Người dùng thường tạo các video phản ứng để chia sẻ cảm xúc, ý kiến, hoặc bình luận về những nội dung, clip, hoặc bài hát đã có sẵn. Vậy reaction video của người khác có vi phạm bản quyền không? Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.

1. Reaction video là gì?

Phản ứng, hay còn gọi là reaction, có thể hiểu đơn giản là sự đáp lại hay phản ứng lại một điều gì đó. Trong bối cảnh cư dân mạng, thuật ngữ này chỉ những phản hồi hay bình luận từ người dùng về các hiện tượng, sự vật, hoặc sự kiện.

Định nghĩa reaction video, đây là loại video ghi lại những phản ứng và ý kiến của một người khi xem một video khác, chẳng hạn như video ca nhạc, trailer phim ngắn, hoặc bất kỳ hiện tượng nào trong đời sống. Những video này không chỉ giúp người xem có cái nhìn ban đầu để quyết định xem nên trải nghiệm nội dung đó hay không, mà còn tạo ra sự kết nối, vì họ thường thấy mình trong những phản ứng của người khác. Đặc biệt, video phản ứng thường không có kịch bản, mang đến những cảm xúc thực tế và tức thì. Với rất nhiều chủ đề đa dạng, video phản ứng cung cấp sự lựa chọn phong phú cho mọi đối tượng khán giả.

2. Quyền tác giả là gì?

Quyền tác giả là quyền sở hữu của một cá nhân đối với tác phẩm mà họ sáng tạo. Quyền này được sử dụng để bảo vệ những sáng kiến tinh thần có tính văn hóa, chẳng hạn như các bài viết về khoa học và văn học, nhạc sáng tác, ghi âm, tranh vẽ, hình chụp, và phim ảnh. Nó bảo vệ cả quyền lợi cá nhân lẫn lợi ích kinh tế của tác giả liên quan đến tác phẩm đó.

Quyền tác giả bắt đầu có hiệu lực ngay khi tác phẩm được tạo ra và được biểu hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phụ thuộc vào nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, hay việc tác phẩm đã được công bố, đăng ký hay chưa.

Việc bảo hộ quyền tác giả là quy trình mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận quyền tác giả của người sáng tạo tác phẩm, trong đó họ sẽ cấp các văn bằng bảo hộ cho các quyền như quyền nhân thân và quyền tài sản của chủ sở hữu, nhằm ngăn chặn việc xâm phạm hoặc tổn thất quyền tác giả.

Bảo hộ quyền tác giả từ góc độ pháp lý là việc tổng hợp các quy định pháp luật để bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu đối với toàn bộ hoặc một phần tác phẩm của họ.

Reaction video của người khác có bị vi phạm bản quyền không?

3. Reaction video của người khác có bị vi phạm bản quyền không?

Vài năm trở lại đây, làn sóng reaction cũng nhanh chóng du nhập vào Việt Nam và được sự đón nhận của các bạn trẻ, đặc biệt là cộng đồng streamer. Nhờ có những video reaction này mà đã góp phần không nhỏ làm phong phú thêm nội dung streamer cũng như sự nổi tiếng đến góp phần gia tăng lượng fan trên mạng xã hội. Ranh giới giữa việc sao chép nội dung và “mượn” nội dung để minh họa cho sản phẩm của mình là khá mong manh.

Tuy nhiên để thực hiện video phản ứng (reaction video) với nội dung của người khác, bắt buộc phải có sự cho phép từ tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài hát. Tuy nhiên, có một số trường hợp mà không cần phải xin phép hoặc trả tiền bản quyền, nhưng vẫn phải cung cấp thông tin về tên tác giả của bài hát, theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và 2022, bao gồm:

  • Tự sao chép 01 bản cho mục đích nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân mà không nhằm mục đích thương mại.
  • Sử dụng hợp lý tác phẩm nhằm minh hoạ trong bài giảng, ấn phẩm hoặc cuộc biểu diễn, bản ghi âm/ghi hình, chương trình phát sóng cho mục đích giảng dạy.

Căn cứ theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2022 về các hành vi xâm phạm quyền tác giả, theo đó các hành vi bị xem là xâm phạm bản quyền khi sử dụng video của người khác nếu có một trong các hành vi sau:

  • Sửa đổi, cắt xén video dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến uy tín, danh dự của tác giả.
  • Cố ý phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao của video khi biết hoặc có cơ sở biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa/gỡ bỏ/thay đổi mà không được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép.

Do đó, để tránh các trường hợp bị đánh bản quyền hoặc vi phạm pháp luật, khi thực hiện reaction video của người khác, người dùng cần phải xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu bản quyền. Việc này không chỉ đảm bảo tuân thủ pháp luật mà còn tôn trọng quyền lợi của tác giả và tạo cơ hội cho sự sáng tạo và phát triển nội dung trên các nền tảng trực tuyến.

Trên đây là bài viết “Reaction video của người khác có bị vi phạm bản quyền không?” mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,