Scan là một trong những cách phổ biến mà người dùng thông qua việc quét lại các giấy tờ bản cứng để lưu lại thành các file hình ảnh trên máy tính, điện thoại. Dưới góc độ pháp lý, các hoạt động scan tài liệu có phải là hình thức sao chép tác phẩm không? Mời bạn đọc theo dõi bài viết của VCD để tìm hiểu thêm.

1. Scan có được xem là sao chép tác phẩm?

Scan là việc chuyển các dữ liệu trên giấy tờ, tài liệu, hình ảnh trên giấy thành dữ liệu, hình ảnh, file lưu trữ trên máy tính, điện thoại thông qua một chiếc máy scan, máy in có tính năng scan hoặc qua ứng dụng scan trên điện thoại thông minh.

Căn cứ quy định tại Khoản 4, 5 Điều 3 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, bản gốc, bản sao của tác phẩm được định nghĩa như sau:

“4. Bản gốc tác phẩm là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên.

5. Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.”

Đồng thời, khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ, sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử.

Từ các quy định trên, ta có thể thấy rằng việc scan thực chất là đang tạo ra một bản sao của tác phẩm gốc dưới hình thức điện tử, vậy nên đây là hành vi sao chép tác phẩm.

2. Scan tác phẩm có phải xin phép tác giả không?

Quyền sao chép tác phẩm là một trong những quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ

Mọi tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nhân thân và quyền tài sản phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Những hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi vi phạm bản quyền tác giả.

Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ cho phép việc sao chép tác phẩm mà không phải xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả được quy định tại điểm a, đ khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ gồm:

  • Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
  • Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.

Như vậy, scan là một trong những hình thức sao chép tác phẩm và tùy vào mục đích sao chép, tổ chức cá nhân phải xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc không cần. Tuy nhiên, cần tôn trọng tác giả và quyền tác giả khi sao chép tác phẩm, khi sử dụng phải nêu rõ thông tin tác giả và nguồn từ tác phẩm gốc.