Logo là một trong những loại hình được cá nhân, doanh nghiệp ưu tiên bảo hộ nhằm tránh các xâm phạm đáng tiếc không mong muốn. Và khi nhắc đến bảo hộ logo thì sẽ có hai hình thức bảo hộ khác nhau là bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ chủ sở hữu quyền tác giả cho logo. Vậy, hai hình thức bảo hộ này có gì khác nhau? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của VCD.

1. Thế nào là bảo hộ quyền tác giả và bảo hộ nhãn hiệu?

Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu là một trong những đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp. Việc cơ quan Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu là để bảo hộ nhãn hiệu đó khỏi việc xâm phạm. Nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đồng thời đáp ưng hai điều kiện sau:

    • Dấu hiệu sử dụng ở đây phải nhìn thấy được, có thể dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh , kể cả hình ảnh ba chiều hoặc kết hợp các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
    • Dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

    Còn quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ), bao gồm những quyền mà pháp luật trao cho chủ sở hữu của tác phẩm về việc đặt tên, đứng tên tác phẩm… Tác giả hoặc chủ sở hữu có quyền điều chỉnh hay truyền tải và phổ biến tác phẩm đến với công chúng bằng việc cho phép người khác tham gia vào quá trình khai thác tác phẩm được sáng tác. Bảo hộ chủ sở hữu quyền tác giả là việc cơ quan Nhà nước ghi nhận các văn bằng bảo hộ các quyền như nhân thân, tài sản của các chủ sở hữu và chủ sở hữu quyền tác giả được sử dụng các phương thức hợp pháp để bảo vệ các đối tượng quyền tác giả của mình nhằm chống lại mọi sự xâm phạm. Bảo vệ chủ sở hữu quyền tác giả không những ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn giải quyết vấn đề xâm phạm bản quyền cũng như xử lý vấn đề bồi thường thiệt hại.

    Đối với đăng ký bảo hộ logo hiện nay sẽ có hai phương pháp là đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ dưới dạng chủ sở hữu quyền tác giả là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Vậy hai phương pháp này có điểm gì khác nhau?

    2. Phân biệt hai phương pháp đăng ký bảo hộ logo

    Yếu tốĐăng ký nhãn hiệuĐăng ký chủ sở hữu quyền tác giả
    Đối tượngSở hữu công nghiệp: Nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng,…..        Quyền tác giả, cụ thể là: Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng
    Mục đíchNhằm phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại của mình với các sản phẩm khácNhằm chứng minh quyền sở hữu của mình với tác phẩm, không phải để phân biệt hàng hóa hay dịch vụ
    Cơ chế xác lập quyềnPhải đăng ký và được Cục SHTT cấp văn bằng  Được bảo hộ ngay khi tác phẩm ra đời, không nhất thiết phải đăng ký. Nếu đăng ký sẽ dễ dàng chứng minh quyền sở hữu với bên thứ ba hoặc khi xảy ra tranh chấp. Nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về bên không đăng ký hoặc đăng ký sau.
    Cơ chế thẩm địnhChặt chẽ, nghiêm ngặt vì phải so sánh với các đơn đăng ký đã nộp trước đóNhanh vì dựa trên cam kết, cam đoan của chủ sở hữu và tác giả
    Phạm vi bảo hộĐăng ký nhãn hiệu sẽ được bảo hộ cả về mặt ngữ nghĩa, cách trình bày, màu sắc… Đây là biện pháp bảo hộ rất mạnh vì nếu như có người khác sử dụng logo tương tự sẽ bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nhãn hiệu chỉ được bảo hộ trong phạm vi sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký. Nếu người khác sử dụng logo đó cho sản phẩm, dịch vụ khác sẽ không bị coi là vi phạm.Đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả sẽ được bảo hộ đối với các tác phẩm mang tính chất sáng tác của tác giả. Tuy nhiên mức độ bảo hộ cho bản quyền yếu hơn so với bảo hộ nhãn hiệu vì chỉ khi có người sử dụng logo giống hệt hoặc giống đến mức tối đa, người đó mới bị vi phạm bản quyền.
    Thời gian thẩm định và trả kết quảTheo quy định tại luật thì thời gian thẩm định và trả kết quả là 12 tháng nhưng thực tế thời gian này có thể kéo dài đến 24 thángTheo quy định tại luật thì thời gian thẩm định và trả kết quả là 45 ngày nhưng thực tế thời gian này có thể kéo dài 2 tháng
    Thời hạn bảo hộThời hạn bảo hộ là 10 năm và có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần là 10 nămQuyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn; còn quyền tài sản được bảo hộ là 75 năm đối với tác phẩm được công bố lần đầu tiên
    Cơ quan quản lýCục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghiệpCục Bản quyền – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

    Như vậy, về bản chất, bảo hộ quyền tác giả hướng đến bảo hộ tính sáng tạo của trí tuệ con người (giá trị tinh thần), còn bảo hộ nhãn hiệu hướng đến bảo hộ sự lành mạnh trong kinh doanh nên về tính chất, bảo hộ nhãn hiệu sẽ rộng hơn và có sự ràng buộc, ghi nhận mạnh mẽ hơn.

    3. Ưu và nhược điểm của bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ quyền tác giả đối với logo

    Về ưu điểm:

    • Được xem là cơ chế bảo hộ logo chặt chẽ nhất hiện nay, nhãn hiệu có phạm vi bảo hộ rộng nhất khi bảo hộ cả nội dung chữ và nội dung hình của nhãn hiệu, tránh việc sao chép logo gây nhầm lẫn. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cũng là văn bản chứng nhận doanh nghiệp và sản phẩm đăng ký bảo hộ với Nhà nước cũng tạo lòng tin và uy tín cho người tiêu dùng; đây cũng là cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ khác như: tên thương mại, tên miền, website. Và nếu doanh nghiệp có nhu cầu cung cấp sản phẩm mang thương hiệu ra thị trường trong nước và quốc tế thì văn bản bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là điều kiện bắt buộc để triển khai hệ thống mã số mã vạch.
    • Đối với đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả đối với logo, bản chất quyền tác giả với tác phẩm phát sinh kể từ khi sáng tạo ra tác phẩm nên việc đăng ký bảo hộ sẽ dựa trên sự tự nguyện, trung thực của tác giả hay chủ sở hữu nên thu tục cấp Giấy chứng nhận sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, so với bảo hộ nhãn hiệu thì bảo hộ quyền tác giả có thời gian cấp Giấy chứng nhận nhanh hơn và không phải trải qua quy trình thẩm định khắt khe. Thời gian bảo hộ dài, đối với tác phẩm logo thì thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu và hết thời hạn nói trên, tác phẩm thuộc về công chúng và các tổ chức, cá nhân có trách nghiệm và nghĩa vụ tôn trọng quyền nhân thân của tác giả.

    Về nhược điểm:

    • Đối với bảo hộ nhãn hiệu logo, vì cơ chế bảo hộ chặt chẽ nên để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cần phải trải qua quy trình thẩm định khó khăn và phức tạp. Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức của đơn đăng ký, sau đó công bố đơn đăng ký trên công báo sở hữu công nghiệp, sau đó thẩm định về nội dung nhãn hiệu trước khi quyết định từ chối cấp Văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp Giấy chứng nhận. Hơn nữa, thời gian xử lý kéo dài có thể lên tới 2-3 năm do khâu kiểm định khắt khe mà số lượng đơn đăng ký ngày càng gia tăng và thời hạn bảo hộ nhãn hiệu cũng tương đối ngắn (10 năm) kể từ ngày nộp đơn đăng ký, hết 10 năm có thể gia hạn thêm cũng là một vài nhược điểm của việc bảo hộ này.
    • Đối với bảo hộ quyền tác giả đối với logo thì hiện nay chưa có hệ thống quản lý và tra cứu độ trùng lặp của logo, nhất là với trường hợp logo đó chưa được công bố nên việc đăng ký mang tính ghi nhận quyền của tác giả, chủ sở hữu. Bên cạnh đó, nếu có một bên thứ ba chứng minh logo đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả là sao chép thì kết quả đó có thể bị hủy và nếu tranh chấp xảy ra thì phải trải          qua thủ tục tại Tòa án. Khi đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả đối với logo thì logo đó sẽ được ghi nhận dưới góc độ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, không phải đối tượng được bảo hộ độc quyền nên nếu có bên thứ ba sử dụng nội dung trùng nhưng có cách bố trí, phối màu khác thì có thể được coi là một tác phẩm khác.

    Tóm lại, hai phương thức bảo hộ trên đều rất quan trọng và cần thiết cho tác giả và chủ sở hữu, và là công cụ hữu ích khi có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, đối với mỗi phương thức bảo vệ đều có ưu và nhược điểm riêng, đòi hỏi mỗi cá nhân khi sở hữu tài sản trí tuệ trong tay cũng phải trang bị những kiến thức nhất định để có thể lựa chọn hình thức bảo hộ phù hợp.

    Trên đây là bài viết: “So sánh bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ chủ sở hữu quyền tác giả cho logo”. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn.