Số 57 Hàng Chuối, P. Phạm Đình HổQ. Hai Bà Trưng, Hà Nội.

So sánh quy trình “đánh gậy bản quyền” và “gỡ gậy bản quyền” trên không gian mạng của Việt Nam và Mỹ

“Đánh gậy bản quyền” hay “gỡ gậy bản quyền” là những thuật ngữ quen thuộc khi nhắc đến hành động bảo vệ quyền tác giả của tác giả hay chủ sở hữu trên một nền tảng Internet nhất định. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành cơ chế này, hay còn được gọi là cơ chế Thông báo và Gỡ bỏ (Notice and Takedown Process), điển hình là quy trình Thông báo và Gỡ bỏ gắn liền với đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số của Mỹ năm 1998 (Quy trình Mỹ). Nghị định 17/2023/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan lần đầu tiên ban hành quy trình Thông báo và Gỡ bỏ gồm “Quy trình 72 giờ và 10 ngày làm việc” và “Quy trình 24 giờ” (Quy trình Việt Nam). Vậy so với Quy trình Mỹ, Quy trình Việt Nam có những điểm tương đồng và khác việt nào sẽ được thể hiện trong bài viết dưới đây.

1. Quy trình “đánh gậy bản quyền” và “gỡ gậy bản quyền” của Việt Nam và Mỹ

Cơ chế thông báo và gỡ bỏ nội dung số phổ biến hiện nay trên thế giới được vận hành theo Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số của Mỹ, tên gọi tiếng Anh là “the Digital Millennium Copyright Act” (“DMCA”) và cơ chế này còn hay được biết đến với tên gọi là “DMCA notice and takedown process”. Nhìn chung, cơ chế này khá đơn giản bao gồm 03 bước:

    • Bước 1: Gửi đơn yêu cầu (khiếu nại) cùng đường link chứa nội dung vi phạm bản quyền nộp bởi chủ thể cho đại diện được chỉ định của nhà cung cấp dịch vụ online (“OSP” hoặc “ISP”) tiếp nhận khiếu nại xâm phạm bản quyền.
    • Bước 2: Nhà cung cấp dịch vụ online có nghĩa vụ nhanh chóng giải quyết việc gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa đường link xâm phạm quyền tác giả đó, đồng thời thông báo cho chủ sở hữu nội dung số hoặc người dùng về việc đã gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa việc truy cập. Ở đây, nếu chủ sở hữu đường link có thể thực hiện quyền kháng cáo (phản đối) kèm theo yêu cầu khôi phục nội dung số bị gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa.
    • Bước 3: Người dùng được nhà cung cấp dịch vụ online khôi phục nội dung số bị gỡ hoặc vô hiệu hóa việc truy cập trong vòng 10-14 ngày làm việc tính từ thời điểm kháng nghị, trừ trường hợp chủ sở hữu thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ online đã khởi kiện vụ án ra tòa.

    Về cơ bản, các bước tiến hành Quy trình Việt Nam sẽ diễn ra tương tự như Quy trình Mỹ. Tuy nhiên, khác với Quy trình Mỹ, Quy trình Việt Nam không diễn theo các bước mà là quy trình kép, và chia ra làm hai quy trình gồm “Quy trình 72 giờ và 10 ngày làm việc” theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu tác phẩm và “Quy trình 24 giờ làm việc” theo yêu cầu của cơ quan thực thi theo Nghị định 17/2023/NĐ – CP.

    • Quy trình 72 giờ và 10 ngày làm việc: Nhà cung cấp dịch vụ online sẽ dựa trên tài liệu chứng minh (gồm chứng cứ về tư cách chủ thể quyền, hành vi xâm phạm, vị trí, đường link dẫn nối tới nội dung số nghi ngờ xâm phạm) do chủ thể quyền gửi, trong vòng 72 giờ, nhà cung cấp dịch vụ online sẽ tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy nhập tới nội dung số bị nghi ngờ xâm phạm và đồng thời thông báo cho cả chủ thể quyền và bên có nội dung số đó. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn như đã nêu trên, nếu nhà chung cấp dịch vụ online không nhận được thông báo phản đối việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn kèm theo tài liệu chứng cứ chứng minh cho phản đối đó thì sẽ gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số đó. Trường hợp nhận được phản đối của bên bị yêu cầu gỡ bỏ, trong vòng 72 giờ, nhà cung cấp dịch vụ online khôi phục lại thông tin số bị gỡ hoặc ngăn chặn đồng thời chuyển tiếp văn bản phản đối kèm theo chứng cứ của bên bị yêu cầu cho chủ thể quyền.
    • Quy trình 24 giờ làm việc: Không muộn hơn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan thực thi, nhà cung cấp dịch vụ online phải gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, và đồng thời phải thông báo cho bên có nội dung số bị gỡ bỏ, và phải báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan thực thi đã yêu cầu trong vòng không quá 24 giờ. Trường hợp có phản đối bởi bên có nội dung thông tin số bị gỡ bỏ/ngăn chặn hoặc bởi nhà cung cấp dịch vụ online, một trong các chủ thể này có quyền tiến hành khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định pháp luật đối với quyết định của cơ quan thực thi.

    2. Vấn đề pháp lý

    2.1. Xác minh chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm, ghi hình

    Một trong những ví dụ thực tiễn điển hình nhất của Quy trình Mỹ là trên nền tảng trực tuyến YouTube. Hiện nay, để bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm, bên cạnh các công cụ bảo vệ bản quyền như Content ID hay Copyright Match Tool, YouTube còn cung cấp thêm một biện pháp nữa là Gửi yêu cầu khiếu nại đến YouTube để “đánh gậy bản quyền” và “gỡ gậy bản quyền”. Và quy trình diễn ra từng bước tương tự như Quy trình Mỹ.

    Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy trình DMCA đã và đang bộc lộ kẽ hở và sự lỏng lẻo của mình khi dường như YouTube hay các nhà cung cấp dịch vụ online khác không xác minh kỹ tư cách pháp lý của người khiếu nại yêu cầu gỡ bỏ nội dung xâm phạm, đặc biệt là khi người khiếu nại có thể cố ý khai man mình là tác giả hoặc chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình trên nền tảng đó. Đồng ý là YouTube cũng rất cố gắng hạn chế việc khai man này bằng cách gửi lại cho người khiếu nại email xác nhận việc gỡ bỏ cũng như yêu cầu cung cấp thông tin và quyền đối với tác phẩm nhưng điều đó dường như chưa đủ. Hệ quả là vẫn diễn ra trường hợp nhiều bản ghi âm, ghi hình trên YouTube bị “đánh gậy bản quyền” oan hoặc thậm chí tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm đó bị treo kênh chứa tác phẩm, bản ghi của mình.

    Một trong những ồn ào liên quan đến quy trình này của YouTube là khi nhạc sĩ Giáng Son và nhiều nghệ sĩ khác đã bày tỏ bức xúc khi ca khúc mình sáng tác bị đánh gậy bản quyền, bởi một đơn vị truyền thông là BH Media đã xác nhận quyền chủ sở hữu video trên YouTube. Tiếp đến khi VTV cho biết video Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên kênh VTV1 hay Quốc ca cũng bị BH Media nhận quyền sở hữu trên YouTube.

    2. Thời hạn “đánh gậy bản quyền” và “gỡ gậy bản quyền”

    Quy trình Mỹ hay Quy trình gỡ bỏ trên YouTube không giải thích  thế nào là “gỡ bỏ nhanh chóng” (expeditiously remove) hay “yêu cầu xóa ngay”. Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực khi nhà cung cấp dịch vụ online có thể kéo dài trách nhiệm gỡ bỏ nội dung xâm phạm mà vẫn có thể được hưởng cơ chế “bến an toàn” (safe habor) là một cơ chế liên quan đến việc quy trách nhiệm hoặc miễn trách nhiệm đối với nhà cung cấp dịch vụ online đối với hành vi xâm phạm bản quyền thực hiện bởi người dùng. Mặt khác, chủ thể quyền có thể lạm dụng cơ chế “đánh gậy bản quyền” để kìm hãm càng lâu càng tốt người dùng nỗ lực khôi phục lại nội dung bị gỡ.

    Vì vậy, có thể nói “Quy trình 72 giờ và 10 ngày làm việc” của Việt Nam đã khắc phục được hạn chế của Quy trình DMCA ở chỗ đòi hỏi chặt chẽ hơn về nghĩa vụ chứng minh tư cách chủ thể quyền ngoài việc chứng minh hành vi xâm phạm bản quyền từ đó có thể giúp ngăn chặn hành vi lạm dụng “đánh gậy bản quyền” bởi chủ thể quyền. Hơn nữa, việc Quy trình Việt Nam ấn định nghĩa vụ cho nhà cung cấp dịch vụ online thời hạn 72 giờ phải gỡ bỏ hoặc khôi phục lại nội dung số vi phạm thay vì quy định mơ hồ “gỡ bỏ nhanh chóng” của Quy trình Mỹ có ý nghĩa thiết lập cơ chế cân bằng hơn trong giải quyết mối quan hệ tay ba phức tạp gồm nhà cung cấp dịch vụ online, người dùng, và chủ thể quyền, chẳng hạn như có thể giảm thiểu khả năng nhà cung cấp dịch vụ online lạm dụng trì hoãn hoặc thiên vị cho chủ thể quyền.

    3. Kết luận

    Bên cạnh việc có thể chọn “Quy trình 72 giờ & 10 ngày làm việc” hoặc “Quy trình 24 giờ” theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP để bảo vệ bản quyền trên Internet, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có quốc tịch Việt Nam còn có thể sử dụng Quy trình Thông Báo và Gỡ Bỏ theo DMCA bất kể DMCA là đạo luật bản quyền của Mỹ. Bởi vì Internet không có biên giới làm xuất hiện hành vi xâm phạm bản quyền đồng thời trên phạm vi toàn cầu, kéo theo hệ quả là cùng lúc tòa án ở nhiều quốc gia khác nhau đều có thể có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm do chủ thể quyền khởi kiện.

    Nói một cách khác, các chủ thể quyền cư trú tại Việt Nam có thể khởi kiện các nhà cung cấp dịch vụ online ra tòa án ở Việt Nam hoặc thậm chí ở tòa án Mỹ do mỗi nền tảng xuyên biên giới đang tuân thủ DMCA như Facebook, Youtube, TikTok, NetFlix, Instagram, LinkedIn, App Store, Google Play đều hiện có tới hàng trăm triệu đến cả tỷ người dùng trên khắp thế giới, trong đó gồm hàng chục triệu người dùng ở riêng Việt Nam.

    Trên đây là bài viết: “So sánh quy trình “đánh gậy bản quyền” và “gỡ gậy bản quyền” trên không gian mạng của Việt Nam và Mỹ”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.