AI hay Artificial Intelligence là trí tuệ nhân tạo, công nghệ này chuyên mô phỏng những suy nghĩ và quá trình tiếp thu kiến thức của con người cho máy móc, đặc biệt là máy tính và các phần mềm ứng dụng. Với sự phát triển vượt bậc của AI trong một vài năm trở lại đây, có thể thấy rằng AI đang dần dần xâm chiếm, ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách các ngành nghề của con người nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế. Liên quan đến vấn đề này, một câu hỏi được bàn tán gần đây rằng liệu sử dụng hình ảnh minh họa do AI vẽ cho mục đích thương mại có được bảo hộ quyền tác giả không?

1. Khái niệm chung về AI và quyền tác giả

AI là sự mô phỏng các quá trình thông minh của con người bằng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính. Các ứng dụng cụ thể của AI bao gồm hệ thống chuyên gia, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói và thị giác máy. Trong cuốn sách “Artificial Intelligence A Modern Approach”, các tác giả đã phân tích 4 yếu tố đặc trưng của AI, đó là: (i) Suy nghĩ của con người (Thinking humanly); (ii) Suy nghĩ hợp lý (Thinking rationally); (iii) Hành động của con người (Acting humanly); Hành động hợp lý (Acting rationally). Hệ thống AI hoạt động bằng cách nhập một lượng lớn dữ liệu đào tạo được gắn nhãn, thông qua quá trình “học” (deep learning) các dữ liệu, sẽ phân tích dữ liệu để tìm các mối tương quan và các mẫu, đồng thời sử dụng các mẫu này để đưa ra dự đoán về các trạng thái trong tương lai. Nói một cách đơn giản, AI là một sản phẩm do con người tạo ra, nhằm mục đích hỗ trợ và giải đáp những thắc mắc của con người.

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Hình ảnh minh họa cho mục đích thương mại được xác định là tác phẩm mỹ thuật úng dụng – một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả theo điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Theo khoản 8 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ: “Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp… Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm.”

    2. Điều kiện tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

    Kể từ khi được ghi nhận, mục đích của quyền tác giả là bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả đối với “đứa con tinh thần của mình”. Trên tinh thần của Công ước Bern – Công ước quốc tế về quyền tác giả lâu đời nhất đã ra danh sách nhưng không giới hạn về “các tác phẩm văn học và nghệ thuật” và không phân biệt hình thức và cách thức thể hiện. Trên cơ sở Công ước Berne, Việt Nam cũng quy định tại Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam về khái niệm “tác phẩm” là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.

    Đâu tiên là tác phẩm phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định. Pháp luật ghi nhận rằng quyền tác giả chỉ được xác lập khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định như dạng ghi âm, ghi hình, viết lại, được đọc lên,… Do vậy, nếu kết quả sáng tạo nếu mới chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng trong đầu tác giả, chưa được thể hiện ra bên ngoài bằng một hình thức vật chất thì không thể được coi là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

    Tiếp theo là tác phẩm đó phải là kết quả của hoạt động sáng tạo tinh thần. Để có thể được bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm phải dựa trên quá trình suy nghĩ, tìm hiểu, sáng tạo, phản ánh tư tưởng, tình cảm của người sáng tác. Nói cách khác, tác phẩm phải là sản phẩm sáng tạo mang giá trị nội dung và tinh thần của tác giả.

    Và cuối cùng, tác phẩm phải mang tính nguyên gốc (originality). Điều này đòi hỏi tác phẩm phải do tác giả độc lập và trực tiếp sáng tạo ra mà không sao chép từ chủ thể khác. Tính nguyên gốc không yêu cầu tác phẩm phải có giá trị nội dung cao, hoặc chất lượng nghệ thuật độc đáo, nhưng cần có tạo ra dấu ấn riêng của tác giả qua nội dung hoặc hình thức thể hiện tác phẩm.

    3. Các vấn đề pháp lý liên quan

    3.1. Hình ảnh minh họa do AI vẽ cho mục đích thương mại có được bảo hộ quyền tác giả không?

    Mục đích thương mại là hành vi nhằm phát sinh lợi nhuận về kinh tế hoặc lợi ích khác. Ngày nay, AI đã có thể cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật khiến cho chúng ta phải thực sự ngỡ ngàng và thán phục.

    Một ví dụ điển hình là: Ngày 3-10, họa sĩ manhwa (truyện tranh Hàn Quốc) lừng danh Kim Jung Gi – người được biết đến với phong cách vẽ truyện tranh bằng bút lông cùng khả năng ứng tác từ trí nhớ mà không cần vẽ phác thảo – qua đời ở tuổi 47. Giới họa sĩ và nghệ sĩ đồ họa trên khắp thế giới thương tiếc và đồng thời tôn vinh ông như một nguồn cảm hứng sáng tác lớn trong cộng đồng. Chỉ vài ngày sau, một nhà thiết kế game người Pháp đã sử dụng các tác phẩm của Jung Gi làm đầu vào cho một mô hình AI. Anh nhanh chóng chia sẻ toàn bộ công trình của mình qua tài khoản Twitter @5you, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể sử dụng AI này biến các ý tưởng của họ thành tác phẩm có nét vẽ giống hệt Jung Gi chỉ qua vài cú click.

    Theo quy định của pháp luật về điều kiện bảo hộ quyền tác giả, một tác phẩm phải đảm bảo yêu cầu về tính sáng tạo, hay mang dấu ấn của tác giả tạo ra nó. Thứ nhất, để tạo ra một tác phẩm, con người hay AI đều cần đến nguồn chất liệu. Cụ thể: với con người, nguồn chất liệu này là kho từ vựng, văn hóa xã hội, chủ đề, hợp âm trong âm nhạc, kiến thức của nhân loại; còn với AI là kho dữ liệu mà những nhà làm công nghệ nhập vào bộ lưu trữ thông tin. Thứ hai, tác phẩm sẽ cần có công cụ thể hiện, như: ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, màu sắc,… và thường gắn với các vật liệu mang nó, như: vải, giấy để vẽ, đĩa chứa âm thanh; hoặc sóng âm thanh, sóng điện từ,… Điểm khác biệt là con người được lựa chọn truyền đạt tác phẩm, còn AI sẽ do máy tính thể hiện. Thứ ba, tác phẩm sẽ mang dấu ấn cá nhân của chủ thể tạo ra nó. Dấu ấn cá nhân có thể là cảm xúc, tâm tư, tình cảm, phân tích, quan điểm riêng của tác giả để tác phẩm trở nên độc đáo và mang tính nguyên gốc. Với AI, dựa trên chất liệu là kho dữ liệu, lập trình viên đưa vào các tham số, thuật toán rồi từ đó AI có thể tổng hợp và đưa ra kết quả là tác phẩm.

    Như vậy, về bản chất có thể thấy tác phẩm do AI tạo ra cũng tương đồng với tác phẩm do con người sáng tạo ra. Vì vậy các tác phẩm mà con người tạo ra hay AI tạo ra đều có thể đáp ứng điều kiện bảo hộ đối với tác phẩm. Nếu chúng ta dựa trên các sản phẩm của AI đã được công bố, chúng ta thấy các tác phẩm này cũng đem lại giá trị về nội dung và nghệ thuật cho nhân loại.

    3.2. Trường hợp hình ảnh minh họa do AI vẽ cho mục đích thương mại được bảo hộ quyền tác giả thì ai là chủ sở hữu quyền tác giả?

    Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm liên quan đến chủ sở hữu quyền tác giả đối với hình ảnh minh họa do AI vẽ vì hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa quy định về vấn đề này. Vì vậy, hiện nay có ba quan điểm khác nhau như sau:

    • Quan điểm thứ nhất cho rằng AI được xem là chủ sở hữu vì các lý do sau:

    Theo quan điểm này, chỉ bằng một vài cú click chuột, AI có thể tự tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, rồi tạo ra một hình ảnh minh họa phù hợp với người dùng, chứ không phải dựa vào trí tuệ, kiến thức của người dùng.

    Hơn nữa, theo khoản 1 Điều 13 Văn bản Hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm…” Vì vậy, AI mới được coi là chủ sở hữu quyền tác giả các tác phẩm mình tạo ra.

    • Quan điểm thứ hai cho rằng AI không phải là chủ sở hữu vì các lý do sau:

    Đầu tiên, AI đưa ra hình ảnh minh họa sau khi người dùng đặt lệnh – không thể chủ động tạo ra tác phẩm được.

    Tiếp đó, giữa người dùng và các nền tảng này có xác lập một giao dịch dân sự (dù người dùng bỏ tiền ra hay sử dụng miễn phí) mà theo đó, người dùng được trao quyền sở hữu nguồn tài nguyên có sẵn trên hệ thống dữ liệu của AI. Người dùng ở đây có quyền yêu cầu AI xuất bản một tác phẩm bất kỳ nào của người dùng. Theo khoản 2 Điều 39 Văn bản Hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này”. Do vậy, người sử dụng AI để tạo ra hình ảnh minh họa có thể được công nhận chủ sở hữu quyền tác giả.

    • Quan điểm thứ ba cho rằng cả AI và người dùng đều được xác định là đồng chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra. Nếu xem AI là tác giả tạo ra hình ảnh minh họa thì thông qua việc được cấp quyền để dùng các chức năng có sẵn của AI thì người dùng là bên đã thuê AI tạo ra tác phẩm. Ở đây, AI sẽ có quyền nhân thân, bao gồm quyền đặt tên tác phẩm, đứng tên tác giả khi tác phẩm được công bố và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm do chính AI tạo ra; còn người dùng có quyền tài sản như quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, cho thuê tác phẩm.

    Để trả lời cho câu hỏi về sở hữu bản quyền đối với nội dung do AI tạo ra không đơn giản và cần được xem xét cẩn thận. Những nội dung sáng tạo do máy móc làm ra cần có luật sở hữu trí tuệ và những quy ước quốc tế riêng? Bởi vì, trí tuệ nhân tạo AI không có nhân cách độc lập, không có tư cách chủ thể “tác giả” như trong các tiêu chuẩn của luật bản quyền. Các nhà thiết kế, nhà phát triển và người sử dụng công cụ AI là chủ sở hữu bản quyền các nội dung do AI tạo ra. Tuy nhiên, bản chất pháp lý của tác phẩm AI hiện nay không rõ ràng.

    Trên đây là bài viết: “Sử dụng hình ảnh minh hoạ do AI vẽ cho mục đích thương mại có được bảo hộ quyền tác giả không?”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.