Giáo trình là tài liệu không thể thiếu trong quá trình học tập. Hiện nay việc photo sách diễn ra rất phổ biến đặc biệt là trong các trường học học sinh, sinh viên lựa chọn sử dụng giáo trình photo để tiết kiệm chi phí hơn. Vậy, sử dụng giáo trình photo có vi phạm pháp luật không hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.

1. Giáo trình photo là gì?

Theo Wikipedia định nghĩa về giáo trình như sau:

Giáo trình là hệ thống chương trình giảng dạy của một môn học. Nó là tài liệu học tập hoặc giảng dạy được thiết kế và biên soạn dựa trên cơ sở chương trình môn học. Mục đích để làm tài liệu giảng dạy chính thức cho giáo viên, hoặc làm tài liệu học tập chính thức cho học sinh, sinh viên.

Theo Điều 6 nghị định 17/2023/NĐ/CP quy định khái niệm: giáo trình là là tài liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu chính có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp duyệt, lựa chọn hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Photo hay còn gọi là sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Dựa vào những khái niệm trên có thể hiểu giáo trình photo là sản phẩm của quá trình sao chép toàn bộ tác phẩm gốc và được in ấn thành bản cứng.

2. Giáo trình có được bảo hộ quyền tác giả không?

Tác phẩm được bảo hộ không phụ thuộc vào nội dung, ý tưởng, quan điểm thế hiện trong tác phẩm. Do đó, theo pháp luật quyền tác giả của nhiều quốc gia, những tác phẩm có nội dung trái đạo đức, trật tự công cộng vần có thể được bảo hộ nếu nó là kết quả sáng tạo tinh thần của tác giả. Công ước Berne là công ước quốc tế về quyền tác giả lâu đời nhất và có số lượng quốc gia thành viên đông đảo nhất đã nêu ra một danh sách không hạn chế những tác phẩm được bảo hộ đồng thời không phân biệt hình thức và cách thức thể hiện.

Trên cơ sở Công ước Berne, Việt Nam quy định tại Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.

Mặt khác, điều kiện bảo hộ tác phẩm lại nằm trong khoản 3 Điều 14: tác phẩm được bảo hộ ‘‘phải do tác giả trực tiếp sáng tạo ra bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác”.

Đầu tiên tác phẩm phải là thành quả của hoạt động sáng tạo tinh thần. Để có thể được bảo hộ quyền tác giả tác phẩm phải dựa trên kết quả của quá trình suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, phản ánh tư tưởng, tình cảm của người sáng tác. Hay nói cách khác, tác phẩm phải dựa trên kết quả sáng tạo có chứa đựng nội dung tinh thân nhất định của tác giả.

Thứ hai, tác phẩm phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định. Các sáng tạo nếu mới chỉ là ý tưởng nằm trong đầu tác giả, chưa được thể hiện ra bên ngoài thế giới vật chất bằng hình thức nhất định thì không thể được coi là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả vì vậy mà tác phẩm chỉ được bảo hộ quyền tác giả khi nó được thể hiện thông qua hình thức nhất định để người khác có thể nhận biết, xác định được tác phẩm.

Và cuối cùng, tác phẩm phải mang tính nguyên gốc (originality). Tính sáng tạo nguyên gốc của tác phẩm không đồng nghĩa với “tính mới” về mặt thời gian. Tác phẩm không cần phải có nội dung, ý tưởng mới. mà chì cân do tác giả tạo ra, mang dấu ấn riêng đê phân biệt được với tác phẩm của người khác. Điều này đòi hỏi tác phẩm phải do tác giả độc lập và trực tiếp sáng tạo ra mà không sao chép từ người khác

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác.

Như vậy theo quy định nêu trên, sách giáo trình, sách giáo khoa hoặc các loại sách nghiên cứu chuyên ngành khác đều được xếp vào loại hình các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

3.  Sử dụng sách giáo trình photo có vi phạm pháp luật không?

Mục đích thương mại là hành vi nhằm phát sinh lợi nhuận về kinh tế hoặc lợi ích khác. Hiện nay có rất nhiều quan điểm liên quan đến vi phạm quyền tác giả đối với giáo trình photo, tùy vào mục đích sử dụng giáo trình photo để xác định có vi phạm hay không. Có 2 trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp 1: 

Sử dụng giáo trình photo không vi phạm quyền tác giả nếu người sử dụng tuân theo các quy định của Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Căn cứ theo Điều 25 Luật sở hữu quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả theo đó giáo trình photo là một trong những hình thức sao chép tác phẩm vì vậy người sử dụng phải thỏa mãn các điều kiện sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao trong Điều 25 của Luật này, cụ thể như sau:

  • Giáo trình được sao chép phục vụ cho mục đích học tập cá nhân, không khai thác thương mại.
  • Chuyển thể giáo trình thành hình thức dễ tiếp cận cho người khuyết tật, khiếm thị, không với mục đích thương mại.

Trong đó, không nhằm mục đích thương mại có nghĩa là với những trường hợp xác định mục đích sử dụng là nhằm sinh lợi như cho thuê, người sử dụng sẽ không được hưởng quy định ngoại lệ không xâm phạm này. Như vậy hành vi tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân được áp dụng không nhằm mục đích thương mại.

Trường hợp 2: 

Sử dụng giáo trình photo vi phạm quyền tác giả nếu đây là hành vi chép giáo trình với mục đích thương mại, buôn bán, hoặc lợi nhuận, sẽ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, có thể dẫn đến hậu quả pháp lý. Căn cứ theo điều 28 Luật sở hữu trí tuệ các hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trừ quy định tại Điều 25 Luật này đã nêu ở trường hợp 1 thì các hành vi đó bị coi là vi phạm quyền tác giả.

Tuy nhiên, thực tế hiện này xuất hiện ngày càng nhiều càng đối tượng trục lợi từ photocopy các giáo trình gốc để bán, thu được lợi nhuận. Điều này sẽ ảnh hưởng đến công sức, thu nhập và trí tuệ của tác giả. Thế nên, việc các trường đại học cho phép sinh viên lạm dụng quá nhiều bản sao tài liệu, giáo trình nghiên cứu học tập có thể xem là hình thức tiếp tay gián tiếp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả.

4. Mức phạt đối với hành vi sao chép tác phẩm

VIệc sử dụng giáo trình photo không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học mà nhằm mục đích thương mại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm đối với cá nhân vi phạm và đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần khung phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP. 

Theo đó, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân và bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc dỡ bỏ bản sao, bản photo tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm ở đây là sách.

Trên đây là bài viết: Sử dụng sách giáo trình photo có vi phạm pháp luật không? Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.