Chủ sở hữu quyền tác giả có thể là người thừa kế theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, vậy trường hợp có nhiều người được thừa kế thì những người thừa kế đó có là đồng sở hữu quyền tác giả hay không? Mời bạn đọc theo dõi bài viết của VCD để biết thêm thông tin chi tiết.
1. Thừa kế quyền tác giả
Quyền tác giả quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, trong đó có một số quyền có thể để lại thừa kế theo quy định của pháp luật Dân sự.
Tài sản của cá nhân có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, mà có quyền tài sản nằm trong quyền tác giả. Vậy, khi cá nhân sở hữu quyền tác giả chết và để lại tài sản của mình cho người thừa kế thì quyền tác giả đương nhiên sẽ trở thành di sản thừa kế.
Điều 40 Luật SHTT có quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế, cụ thể:
“Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này.”
Theo đó, người được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật sẽ trở thành chủ sở hữu của các di sản thừa kế này.
2. Đồng sở hữu quyền tác giả
Theo Điêu 208 Bộ luật Dân sự, việc xác lập quyền sở hữu chung được thực hiện theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán. Một trong những trường hợp sở hữu chung được xác lập là do thừa kế. Trong trường hợp này, việc phân chia di sản thừa kế thuộc sở hữu chung của những người đồng thừa kế thực hiện theo quy định tại Điều 659 và Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
– Phân chia di sản theo di chúc: Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Phân chia di sản theo pháp luật: Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
Theo quy định của pháp luật, những quyền tác giả được thừa kế đều là quyền không gắn liền với tác giả và có thể chuyển giao. Trên cơ sở đó, chủ sở hữu các quyền trên có thể là một hoặc nhiều người. Theo đó, nếu nhiều người được nhận thừa kế tác phẩm theo di chúc hoặc theo pháp luật sẽ trở thành chủ sở hữu của các di sản thừa kế này.
Trong trường hợp thừa kế quyền tác giả theo pháp luật thì những người được thừa kế cùng hàng có quyền hưởng ngang nhau trong việc sử dụng, định đoạt tác phẩm. Nguyên tắc sử dụng, định đoạt tác phẩm do được thừa kế, những người thừa kế phải dựa trên cơ sở thỏa thuận. Nếu những người có quyền thừa kế theo pháp luật không thỏa thuận được với nhau thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Khi có nhiều người cùng được thừa kế quyền tác giả theo di chúc thì họ được sử dụng, định đoạt tác phẩm theo phạm vi đã được xác định cụ thể trong nội dung của di chúc. Trong trường hợp người lập di chúc không chỉ định rõ phạm vi sử dụng, định đoạt tác phẩm của từng người thừa kế thì việc sử dụng, định đoạt tác phẩm của từng người thừa kế phải được sự thỏa thuận của tất cả những người thừa kế theo di chúc. Nếu những người thừa kế quyền tác giả theo di chúc không thỏa thuận được về việc hưởng thừa kế quyền tác giả thì họ có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Ngoài ra, nếu có tổ chức, cá nhân muốn sử dụng tác phẩm thì phải xin phép, trả tiền nhuận bút cho tất cả các đồng chủ sở hữu (trừ trường hợp ngoại lệ).