Trong bối cảnh pháp luật về sở hữu trí tuệ đang ngày càng hoàn thiện, tác phẩm di cảo đã nổi lên như một vấn đề quan trọng. Những tác phẩm được công bố lần đầu sau khi tác giả qua đời không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về quyền lợi và sự bảo vệ pháp lý. Liệu tác phẩm di cảo có được bảo hộ quyền tác giả hay không? Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Tác phẩm di cáo là gì?

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có định nghĩa về tác phẩm di cảo như sau:“Tác phẩm di cảo là tác phẩm được công bố lần đầu sau khi tác giả chết”.

Tác phẩm di cảo được hiểu là tác phẩm thuộc bất kỳ loại hình nào tác phẩm nào, đó có thể là tác phẩm khoa học, nghệ thuật, văn học,… Tuy nhiên, tác phẩm di cảo được công bố công khai lần đầu tiên sau khi tác giả mất, tức là từ khi tác phẩm được tạo ra và thể hiện dưới một hình thức nhất định cho đến thời điểm trước khi tác giả mất vẫn chưa được công bố lần nào, sau khi tác giả chết thì tác phẩm đó mới được công bố thông qua việc một chủ thể khác. Tác phẩm di cảo thường mang trong mình giá trị và ý nghĩa đặc biệt, phản ánh tư tưởng và phong cách của tác giả.

Tác phẩm di cảo có phải là đối tượng bảo hộ quyền tác giả?

2. Quy định của pháp luật về tác phẩm di cáo

Tác phẩm di cảo được bảo vệ dưới hình thức quyền tác giả, là quyền của cá nhân hoặc tổ chức đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học mà họ đã sáng tạo hoặc sở hữu.

Tác phẩm di cảo được bảo hộ thông qua các quyền nhân thân và quyền tài sản thuộc quyền tác giả. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tác phẩm di cảo là những tác phẩm được công bố lần đầu tiên sau khi tác giả qua đời.

Các yếu tố chính mà pháp luật bảo vệ đối với tác phẩm di cảo bao gồm:

  • Tác phẩm phải thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật hoặc khoa học.
  • Tác phẩm phải được sáng tạo bởi một tác giả cụ thể.
  • Tác phẩm phải được công bố lần đầu sau khi tác giả qua đời.

Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:  Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, dẫn chiếu đến Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 như sau:

“Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.

2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.”

Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo được xác định như sau:

  • Yếu tố được bảo hộ vô thời hạn bao gồm:
  • Tên của tác phẩm;
  • Tên thật hoặc bút danh của tác giả;
  • Sự toàn vẹn của tác phẩm;
  • Trường hợp bảo hộ có thời hạn:

Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng:

  •  Thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ lần đầu tiên công bố.
  • Nếu tác phẩm chưa được công bố sau 25 năm kể từ khi được tạo ra thì thời hạn bảo hộ là 100 năm tính từ lúc tác phẩm được tạo ra.
  •  Nếu là tác phẩm khuyết danh, khi có thông tin về tác giả thì tác phẩm được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và thêm 50 năm kể từ khi tác giả chết.

Đối với tác phẩm khác:

  • Thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết;
  • Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Như vậy tác phẩm di cáo là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Trên đây là bài viết “Tác phẩm di cảo có phải là đối tượng bảo hộ quyền tác giả?” mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,