Không thể phủ nhận rằng những tác phẩm văn học, thơ ca, âm nhạc, điện ảnh,…kinh điển cũng là một nguồn cảm hứng cho các tác giả sáng tác, thực hiện những tác phẩm phái sinh. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích khái niệm tác phẩm phái sinh và điều kiện để tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả.

1. Tác phẩm phái sinh là gì?

Theo khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tác phẩm phái sinh được quy định là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.

Căn cứ theo quy định nêu trên, các tác phẩm phái sinh từ một tác phẩm gốc bao gồm:

  • Tác phẩm dịch ra ngôn ngữ khác của tác phẩm gốc: là tác phẩm được dịch sang ngôn ngữ khác một cách sát nghĩa, không diễn đạt sai nội dung dựa trên nội dung của tác phẩm gốc.
  • Tác phẩm phóng tác: là tác phẩm phỏng theo tác phẩm gốc, nhưng có sự sáng tạo về nội dung, tư tưởng… Tác phẩm phóng tác thường mang sắc thái mới, khác biệt so với tác phẩm gốc.
  • Tác phẩm biên soạn: là việc tổng hợp thông tin, thu thập và chọn lọc các tài liệu tham khảo để viết lại thành một tác phẩm mới có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo.
  • Bản chú giải: là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình của người soạn bản chú giải đó, giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc.
  • Tác phẩm tuyển chọn: được hiểu là một tập hợp các tác phẩm được lựa chọn bởi người biên soạn.
  • Tác phẩm cải biên: là tác phẩm được sáng tạo ra trên cơ sở tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt.
  • Tác phẩm chuyển thể: có thể hiểu là tác phẩm dựa trên tác phẩm gốc nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc. Hiện nay, hình thức chuyển thể phổ biến là việc chuyển thể một tác phẩm văn học, câu chuyện… thành tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình…

2. Điều kiện để tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả?

Tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả khi đáp ứng 04 điều kiện sau:

  • Không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc:
    • Theo khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
    • Các tác phẩm dùng để làm tác phẩm phái sinh bao gồm các phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Phải do tác giả làm tác phẩm phái sinh trực tiếp sáng tạo: Khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định tác phẩm phái sinh được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
  • Được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc: Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc. Trong trường hợp không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả (Trừ khi tác phẩm phái sinh thuộc các trường hợp tại Điều 25 và Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ).
  • Phải có dấu ấn riêng của tác giả tác phẩm phái sinh: Tác phẩm phái sinh là những tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm gốc. Nên để tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì phải có tính sách tạo, mới mẻ và mang dấu ấn của tác giả sáng tạo ra tác phẩm phái sinh đó.

 3. Dịch vụ pháp lý hỗ trợ bản quyền của Công ty CP Phát triển bản quyền Việt Nam

Với đội ngũ chuyên gia pháp lý nhiều kinh nghiệm, chúng tôi tự tin trong việc hỗ trợ Khách hàng trong lĩnh vực bản quyền. Với phương châm luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng, công ty cố gắng và đảm bảo hỗ trợ Khách hàng và triển khai công việc một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất, thường xuyên báo cáo tiến trình vụ việc cũng như đưa ra kế hoạch hành động tiếp theo để Khách hàng có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá kết quả công việc. Khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng và an tâm khi sử dụng dịch vụ pháp lý của chúng tôi.

Trên đây là bài viết “Tác phẩm phái sinh là gì? Điều kiện để tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả?”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng!