Thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay đang phát triển rất mạnh mẽ và mang đến nhiều thành tựu nổi trội không chỉ cho các ca sĩ mà còn cả các nhà soạn nhạc. Cùng với sự phát triển đó là tình trạng vi phạm bản quyền nghệ thuật nói chung, vi phạm bản quyền âm nhạc nói riêng đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều nghệ sĩ gây bức xúc trong dự luận. Do đó việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm âm nhạc là điều cần thiết giúp bảo vệ quyền và lợi ích cho tác giả. Dưới đây là bài viết của VCD về vấn đề này.

1. Đăng ký bản quyền cho tác phẩm âm nhạc là gì

Âm nhạc hay còn gọi là tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Bản quyền âm nhạc là việc ghi nhận, khẳng định quyền của tác giả đối với tác phẩm âm nhạc mà họ đã lao động bằng trí não để hoàn thành, sáng tạo ra tác phẩm. Việc đăng ký với cơ quan nhà nước là việc ghi nhận chứ không có nghĩa là tại thời điểm đó mới phát sinh quyền tác giả mà ngay khi tác phẩm được hoàn thành đã phát sinh các quyền tác giả.

Như vậy, đăng ký bản quyền cho tác phẩm âm nhạc là việc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm nộp đơn đăng ký bản quyền tác giả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền âm nhạc do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu để được nhà nước ghi nhận tránh những trường hợp xâm phạm đến quyền của mình.

2. Điều kiện bảo hộ bản quyền cho tác phẩm âm nhạc

Tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm âm nhạc là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả với điều kiện tác phẩm đó phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác. Cùng với quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ:  quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký. Nghĩa là khi nào tác phẩm được tạo ra và con người có thể xác định được sự tồn tại của nó thì lúc này tác phẩm đó sẽ được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Do đó, đối với tác phẩm âm nhạc cũng vậy, khi nhạc sĩ chỉ mới sáng tạo ra giai điệu trong suy nghĩ của nhạc sĩ lúc này tác phẩm âm nhạc này chưa được bảo hộ. Chỉ khi nào, người nhạc sĩ tiến hành việc thể hiện tác phẩm đó dưới dạng hình thức vật chất nhất định (viết giai điệu, nốt nhạc vào giấy, thể hiện trên máy tính,…) thì quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc đó sẽ được phát sinh.

Nội dung chính sách của nhà nước quy định tại Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ như sau: công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.

Tóm lại, điều kiện để bảo hộ bản quyền tác phẩm âm nhạc bao gồm:

– Là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả

– Được sáng tạo và thể hiện dưới một dạng hình thức vật chất nhất định

– Nội dung không được trái đạo đức xã hội, trật tự công cộng, không gây hại cho quốc phòng an ninh.

3. Tại sao phải đăng ký bản quyền cho tác phẩm âm nhạc

Bản quyền âm nhạc là một khái niệm không quá mới tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên để thật sự hiểu và vận dụng được luật bản quyền và sở hữu trí tuệ vào việc bảo vệ được các sản phẩm sáng tạo của mình thì bản thân nhiều nghệ sĩ vẫn chưa thực sự nắm vững. Đăng ký bản quyền cho tác phẩm âm nhạc là cách để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những người sáng tác, sản xuất hoặc sở hữu bản quyền âm nhạc. Sau khi đăng ký bản quyền, chủ sở hữu sẽ có quyền kiểm soát việc sao chép, phân phối, sử dụng hoặc bán nhạc của họ. Dưới đây là những lý do cần thiết để đăng ký bản quyền âm nhạc:

Thứ nhất, Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Đăng ký bản quyền là cách để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người sáng tác, sản xuất hoặc sở hữu bản quyền âm nhạc, tránh bị sao chép, phát hành hoặc sử dụng trái phép.

Thứ hai, Chống lại việc sao chép và vi phạm bản quyền: Đăng ký bản quyền sẽ giúp chủ sở hữu có chứng cứ pháp lý để chống lại việc sao chép và vi phạm bản quyền. Nếu có bất kỳ ai vi phạm bản quyền, chủ sở hữu có thể đưa ra các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Thứ ba, kiếm tiền từ bản quyền âm nhạc: Bằng cách đăng ký bản quyền, chủ sở hữu sẽ có quyền kiểm soát việc phát hành và sử dụng nhạc của họ, từ đó có thể kiếm được tiền bản quyền từ các bản sao, sử dụng thương mại và cả quyền phát sóng.

Cuối cùng, là làm tăng giá trị thương hiệu: Bản quyền cũng giúp tăng giá trị thương hiệu của nhạc sĩ, ca sĩ, ban nhạc hoặc công ty âm nhạc. Điều này có thể thu hút nhiều khán giả và doanh nghiệp, tăng doanh thu và cải thiện vị trí thị trường của họ.

Việc các bài hát bị đạo nhạc, chế lời đang ngày càng lan tràn. Thính giả thì không biết đâu là tác phẩm GỐC, đâu là tác phẩm NHÁI. Nó không những gây hại cho chính tác giả sáng tác ra cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, không những thế nó còn phần nào ảnh hưởng xấu tới nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và Văn hóa thưởng thức của người Việt trên quy mô rộng. Tuy nhiên việc đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc là không bắt buộc nhưng VCD khuyến khích khách hàng cần tiến hành đăng ký bản quyền cho tác phẩm âm nhạc để tránh các tranh chấp phát sinh và có căn cứ chứng minh quyền sở hữu đối với tác phẩm khi có tranh chấp.

Trên đây là bài viết của VCD về : tại sao phải đăng ký bản quyền cho tác phẩm âm nhạc. Hy vọng sẽ giúp ích cho bạn.