Với sự phát triển không ngừng nghỉ của xã hội với những biến chuyển của thế giới, việc cập nhật tin tức thời sự một cách nhanh chóng và chính xác là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với các cơ quan trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì vậy, dưới góc nhìn của luật pháp nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng, một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao những tin tức thời sự thuần túy đưa tin không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả?
1. Quyền tác giả là gì?
Trước khi giải đáp câu hỏi trên, phải hiểu rằng quyền tác giả “là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu” (Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2023, sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ). Còn tác phẩm “là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” căn cứ theo khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ.
Sự sáng tạo ở đây được hiểu là tác phẩm đó được tác giả tạo ra bằng trí tuệ, cảm xúc của mình và được thể hiện dưới một hình thức nhất định như truyện, thơ, tác phẩm điện ảnh… không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký và được Nhà nước bảo đảm quyền tự do sáng tạo của cá nhân trong khuôn khổ pháp luật. Ngoài ra, tác giả hoàn toàn có quyền định đoạt các quyền của mình có được từ tác phẩm và được bảo vệ khi có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Căn cứ để trở thành đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền tác giả
Quyền tác giả được bảo hộ khi tác phẩm có tính sáng tạo (tính nguyên gốc) và hình thức thể hiện tác phẩm (tính định hình). Tính nguyên gốc thể hiện ở chỗ tác phẩm đó phải là kết quả sáng tạo bằng trí tuệ của mình, không sao chép từ tác phẩm của người khác, thể hiện cái riêng của tác giả. Tính định hình được thể hiện bởi phương thức thể hiện tác phẩm đó bằng chữ viết, các ký tự, đường nét, hình khối bố cục…Vì vậy, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại Điều 14, bao gồm:
(1) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
(2) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
(3) Tác phẩm báo chí;
(4) Tác phẩm âm nhạc;
(5) Tác phẩm sân khấu;
(6) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
(7) Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
(8) Tác phẩm nhiếp ảnh;
(9) Tác phẩm kiến trúc;
(10) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
(11) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
(12) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
3. Tại sao tin tức thời sự thuần túy đưa tin không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bố sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, “Tin tức thời sự thuần túy đưa tin quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo.”
Có thể hiểu đó là những tin tức mang tính chất “thời sự”, cần được chuyển đến công chúng nhanh nhất, chỉ là những bản tin, những số liệu, phản ánh các thông tin sự thật khách quan như: dịch bệnh, tai nạn, sự kiện diễn ra trong và ngoài nước… được thu thập, tổng hợp và phản ánh một cách chân thực những sự vật sự việc khách quan, mà không phải là sự thể hiện sự sáng tạo, hay những nét riêng khác biệt nào đó của cá nhân, hay chủ thể nào đó. Do vậy, tin tức thời sự thuần túy đưa tin không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, việc đăng tải lại tin tức thời sự sẽ không phải xin phép bằng văn bản nhưng cần có trích nguồn cụ thể, vừa đảm bảo độ chính xác thông tin, vừa thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả. Tuy nhiên, nếu việc đăng tải lại thông tin này không chính xác so với thông tin gốc, ảnh hưởng đến uy tín và gây thiệt hại đối với tác giả, tác giả có quyền yêu cầu bồi thường.
Trong quá trình đưa tin, nếu chủ thể là cá nhân, tổ chức có nêu thêm cảm nhận, đánh giá, nhận xét, bình luận thể hiện quan điểm và suy nghĩ của mình, thể hiện sự sáng tạo và cách nhìn khác đối với tin tức thời sự đó và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định hoặc bất kỳ phương tiện nào thì có thể được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trên đây là bài viết “Tại sao tin tức thời sự thuần túy đưa tin không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả?”. Mong bài viết có ích cho các bạn.