Chương trình máy tính là một trong số các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, vậy thời điểm phát sinh quyền tác giả đối với chương trình máy tính là vào thời điểm nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của VCD để biết thêm thông tin.

1. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính

Về định nghĩa chương trình máy tính, Khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:

“Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.”

Chương trình máy tính là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, được ghi nhận tại Điểm g Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Tại Việt Nam, chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học mà không được bảo hộ dưới dạng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ ghi nhận chương trình máy tính là một trong những đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế.

Quyền tác giả đối với chương trình máy tính được quy định cụ thể lại Điều 12 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:

  • Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân và các quyền tài sản quy định Luật sở hữu trí tuệ.
  • Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm); chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền tài sản và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính được sửa lỗi trên bản sao chương trình máy tính đó trong trường hợp cần thiết cho việc sử dụng.
  • Quyền cho thuê chương trình máy tính là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn.
  • Quyền cho thuê đối với chương trình máy tính không áp dụng trong trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chủ yếu để cho thuê như chương trình máy tính gắn với việc vận hành bình thường các loại phương tiện giao thông hoặc các máy móc, thiết bị kỹ thuật khác.

2. Thời điểm phát sinh quyền tác giả đối với chương trình máy tính

Theo Điều 6 Luật SHTT căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ được quy định như sau:

“1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”

Theo đó, thời điểm để căn cứ phát sinh, xác lập bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính là kể từ lúc chương trình đó được định hình dưới một dạng vật chất nhất định mà không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ và chưa cần phải tiến hành bất kỳ một thủ tục công bố hay đăng ký bảo hộ nào.

Tuy nhiên, để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của mình, đề phòng trường hợp xảy ra tranh chấp, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên thực hiện đăng ký quyền tác giả ngay sau khi hoàn thành tác phẩm. Bởi lẽ, trên thực tế, việc chứng minh quyền tác giả khi chưa đăng ký bảo hộ là rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, chi phí và công sức, trong khi đó nếu xảy ra tranh chấp thì tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ phải chứng minh quyền tác giả thuộc về mình. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là tài liệu quan trọng, cơ bản nhất để chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm, do đó các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên thực hiện thủ tục đăng ký sớm nhất có thể.

Trên đây là nội dung bài viết “Thời điểm phát sinh quyền tác giả đối với chương trình máy tính”. Bản Quyền Việt Nam hy vọng bài viết này có ích với bạn đọc.

Trân trọng,