Mặc dù việc bảo hộ quyền liên quan luôn gắn liền với việc bảo hộ quyền tác giả, tuy nhiên thời hạn bảo hộ quyền liên quan và quyền tác giả lại có sự khác biệt. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan không được phân tách thành thời hạn bảo hộ quyền nhân thân và quyền tài sản riêng như thời hạn bảo hộ quyền tác giả. Vậy, thời hạn bảo hộ quyền liên quan được quy định như thế nào, chúng tôi xin được làm rõ trong bài viết này.
1. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan theo một số điều ước quốc tế
Vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng là những vấn đề quan trọng trong thế giới hiện đại ngày nay. Trong suốt thế kỷ 20 và 21, các quốc gia đã dần dần hình thành nên những nhận thức chung, thỏa thuận chung về việc bảo hộ này bằng cách ký kết các công ước, hiệp định và thành lập tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO. Riêng với vấn đề bảo hộ quyền liên quan, sự tồn tại của các công ước, hiệp định như Công ước Rome năm 1961 về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng; Công ước Geneva năm 1971 về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ; Hiệp định TRIPS 1994 về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ; Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) năm 1996 đã trở thành những khuôn mẫu quan trọng cho các quốc gia xây dựng pháp luật về bảo hộ quyền liên quan, trong đó có Việt Nam.
Chế định thời hạn bảo hộ quyền liên quan đã được nêu rõ trong những công ước, hiệp định nêu trên. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan được quy định trong các điều ước không giống nhau và theo thời gian, thời hạn bảo hộ quyền tác giả quy định trong các điều ước trên có sự thay đổi.
Theo Điều 14 của Công ước Rome năm 1961 về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng, thời hạn bảo hộ quyền liên quan phải kéo dài ít nhất cho đến khi hết thời hạn là 20 năm kể từ khi kết thúc của năm mà:
- Việc định hình bản ghi âm được thực hiện – đối với các bản ghi âm và đối với các buổi biểu diễn được định hình trong đó.
- Buổi biểu diễn được tiến hành – đối với các buổi biểu diễn không được định hình trong các bản ghi âm.
- Buổi phát sóng được thực hiện- đối với các buổi phát sóng.
Bên cạnh đó, theo Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ ký kết năm 1971 quy định về thời hạn bảo hộ tại Điều 4, cụ thể như sau: “Thời hạn bảo hộ sẽ tuỳ thuộc vào pháp luật quốc gia của mỗi quốc gia ký kết. Tuy nhiên, nếu luật pháp quốc gia quy định một thời hạn cụ thể cho sự bảo hộ này, thì thời hạn đó sẽ không ít hơn hai mươi năm kể từ khi kết thúc của năm mà các âm thanh thể hiện trong bản ghi âm được ghi lần đầu hoặc của năm mà bản ghi âm được công bố lần đầu.
Mặt khác, Khoản 5 Điều 14 Hiệp định TRIPS 1994 về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ quy định về thời hạn bảo hộ đối với những người biểu diễn và sản xuất bản ghi âm phải kéo dài ít nhất là đến hết thời hạn 50 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà việc ghi âm hoặc buổi biểu diễn được tiến hành; thời hạn bảo hộ đối với tổ chức phát thanh, truyền hình phải kéo dài ít nhất là 20 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà chương trình phát thanh truyền hình được thực hiện.
Ngoài ra, Điều 17 của Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) năm 1996 cũng ghi nhận:
- Thời hạn bảo hộ dành cho người biểu diễn phải kéo dài ít nhất cho đến khi kết thúc thời hạn 50 năm, tính từ khi kết thúc năm mà buổi biểu diễn đã được định hình trong bản ghi âm;
- Thời hạn bảo hộ dành cho nhà sản xuất bản ghi âm phải kéo dài ít nhất cho đến khi kết thúc thời hạn 50 năm, tính từ khi kết thúc năm mà bản ghi âm đã được công bố, hoặc nếu không có việc công bố này trong vòng 50 năm kể từ khi định hình bản ghi âm thì thời hạn 50 năm được tính từ khi kết thúc năm mà việc định hình được thực hiện.
Qua những điều khoản trên, có thể thấy rõ sự thay đổi theo hướng tăng thời hạn bảo hộ quyền liên quan theo thời gian với mức tối thiểu là 50 năm đối với Hiệp định TRIPS năm 1994 và Hiệp định WPPT năm 1996. Sự thay đổi này gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ, khi mà con người tìm ra cách để định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng trên những vật chất có độ bền chắc, tuổi thọ cao, không dễ hỏng hóc như trước và đi liền với sự phát triển của không gian mạng, nơi con người có thể lưu trữ thông tin một cách không giới hạn.
Hiện nay, pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng đều quy định thời hạn bảo hộ quyền của người biểu diễn ở mức 50 năm. Việt Nam hiện đang là thành viên của cả bốn điều ước quốc tế được phân tích nêu trên, do đó pháp luật Việt Nam quy định về thời hạn bảo hộ quyền liên quan không được mâu thuẫn với quy định của bốn điều ước đó.
2. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan theo pháp luật Việt Nam
Tại Việt Nam, thời hạn bảo hộ quyền liên quan được quy định tại Điều 34 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
“1. Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.
2. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.
3. Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.
4. Thời hạn bảo hộ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.”
Theo quy định trên, có thể thấy rằng thời hạn bảo hộ của quyền liên quan được quy định không phân biệt giữa quyền nhân thân và quyền tài sản của các chủ thể nắm giữ quyền liên quan. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan cũng không kéo dài như quyền tác giả mà được giới hạn trong vòng 50 năm tính từ năm tiếp theo của năm buổi biểu diễn được định hình, bản ghi âm, ghi hình được định hình/công bố hoặc năm chương trình phát sóng được thực hiện. Thời gian kết thúc thời hạn bảo hộ đã được quy định Quy định nêu trên hoàn toàn phù hợp, thống nhất với quy định tại các Điều ước quốc tế như Công ước Rome, Công ước Geneva, Hiệp định TRIPS và Hiệp ước WPPT mà Việt Nam đã tham gia.
Trên đây là bài viết “Thời hạn bảo hộ quyền liên quan”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng.