Tổ chức phát sóng là các tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng bao gồm các tổ chức phát thanh, tổ chức truyền hình và phát tín hiệu vệ tinh. Vậy pháp luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền của tổ chức phát sóng như thế nào?

Tổ chức phát sóng là gì?

Tổ chức phát sóng là chủ thể được bảo hộ quyền liên quan theo Khoản 4 Điều 16 Luật SHTT

Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan. Chủ sở hữu chương trình phát sóng là tổ chức phát sóng đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để phát sóng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Quyền của tổ chức phát sóng

Theo Điều 31 Luật SHTT quy định quyền của tổ chức phát sóng bao gồm:

“1. Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;

b) Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;

c) Định hình chương trình phát sóng của mình;

d) Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình.

2. Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.”

Đồng thời, tại Điều 20 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về sử dụng chương trình phát sóng như sau:

  • Khi sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình để sản xuất chương trình phát sóng, tổ chức phát sóng phải thực hiện nghĩa vụ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức, cá nhân sử dụng chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền qua cáp, trên mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác thực hiện theo thỏa thuận và các quy định pháp luật liên quan. Việc sửa đổi, cắt xén, bổ sung chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền qua cáp, trên mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác phải có sự thỏa thuận với chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng.

Vậy, tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện phát sóng, phân phối, sao chép, định hình và sao chép chương trình phát sóng của mình. Nếu sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của người khác để sản xuất chương trình hoặc tái phát sóng chương trình của tổ chức khác thì phải thực hiện theo thoả thuận và các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung khi tái phát sóng chương trình của tổ chức khác cần có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với chương trình được tái phát sóng.

Trên đây là bài viết “Tổ chức phát sóng có những quyền gì đối với quyền liên quan đến quyền tác giả”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,