Trong trường hợp gặp phải những vấn đề xoay quanh quyền tác giả, quyền liên quan, quý vị thường tìm đến sự giúp đỡ từ đâu? Công ty luật hay công ty bản quyền? Dù bất kể là công ty nào, sự có mặt của các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả nêu trên sẽ giúp ích cho quý vị. Vậy, những tổ chức nào được quy định là tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam?
1.Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan là gì?
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam không quy định rõ khái niệm về tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan mà chỉ xác định thông qua phạm vi hoạt động của tổ chức. Tuy nhiên, để trở thành tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, một tổ chức phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Theo Điều 57 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan là những tổ chức như sau:
“1. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây theo yêu cầu của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan:
a) Tư vấn những vấn đề có liên quan đến quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan;
b) Đại diện cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo uỷ quyền;
c) Tham gia các quan hệ pháp luật khác về quyền tác giả, quyền liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo uỷ quyền.”
Để làm rõ hơn các yếu tố nêu trên, Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã được ban hành, trong đó xác định rõ những loại hình tổ chức đủ điều kiện để được coi là tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan và cơ chế quản lý nhà nước được áp dụng với tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Điều kiện trở thành tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan
Theo Điều 55 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp;
- Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã;
- Đơn vị sự nghiệp;
- Các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
Bên cạnh đó, để trở thành tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, người đứng đầu tổ chức và cá nhân hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong tổ chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây (Theo Khoản 2 Điều 55 Nghị định 17/2023/NĐ-CP):
- Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Thường trú tại Việt Nam;
- Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật.
3. Cơ chế quản lý của nhà nước đối với tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 55 Nghị định 17/2023/NĐ-CP Khoản 3, 4, 5, 6 và 7)
Nhà nước thực hiện ghi nhận đối với tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) sẽ ghi nhận là tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong Sổ đăng ký quốc gia về tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan và công bố trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của tổ chức đó sau khi được xem xét chấp thuận yêu cầu ghi nhận. Chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác của các tổ chức có đủ các điều kiện chỉ được kinh doanh hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan dưới danh nghĩa của tổ chức mà mình phụ thuộc.
Nếu một tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan (i) từ bỏ, chấm dứt kinh doanh tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; hoặc (ii) tổ chức đó không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định khoản 1 Điều 57 của Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 2 Điều 55 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như đã nêu, thì cơ quan quản lý sẽ xoá tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong Sổ đăng ký quốc gia về tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan. Việc xóa tên sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan.
Mặt khác, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nếu có đủ căn cứ khẳng định tổ chức không còn đủ điều kiện kinh doanh tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.
Ngoài ra, trong trường hợp có thay đổi liên quan đến thông tin của tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức này phải gửi văn bản thông báo về nội dung thay đổi đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh đó, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan phải thực hiện chế độ báo cáo, thông tin cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hằng năm hoặc đột xuất về các hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.
Trên đây là bài viết “Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan có thể là ai?”. Mong bài viết này có ích đối với quý vị.
Trân trọng,