Trong xã hội hiện đại, nơi mà sáng tạo và đổi mới là động lực chính cho sự phát triển, quyền tác giả trở thành một trong những giá trị cốt lõi cần được bảo vệ. Tuy nhiên, sự xâm phạm quyền tác giả diễn ra phổ biến, gây ra không chỉ thiệt hại về tài chính mà còn làm tổn hại đến danh dự và uy tín của các tác giả. Khi quyền lợi của tác giả bị xâm phạm, việc xác định và bồi thường thiệt hại trở thành một vấn đề cấp thiết và phức tạp. Điều này không chỉ nhằm khôi phục lại quyền lợi cho người sáng tạo mà còn góp phần duy trì một môi trường sáng tạo lành mạnh. Bài viết “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả” dưới đây của VCD sẽ giúp bạn.

1. Xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả là trách nhiệm pháp lý mà bên trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

Căn cứ theo Điều 204 Luật sở hữu trí tuệ 2022 và các Điều 69 đến Điều 74 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả được chia thành hai nhóm sau:

1.1. Xác định thiệt hại về vật chất do xâm phạm quyền tác giả

Tổn thất về tài sản

Tổn thất về tài sản chính là sự giảm sút về giá trị quyền tác giả sau khi xảy ra hành vi xâm phạm so với trước khi xảy ra hoặc so với tình trạng giá trị quyền tác giả đó đáng lẽ đạt được. Theo Điều 71 Nghị định 17/2023/ND-CP thì thiệt hại về tài sản được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất giá về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ.  Để xác định tổn thất cần xác định:

  • Giá trị quyền tác giả vào thời điểm trước khi xảy ra hành vi xâm phạm hoặc giá trị quyền tác giả đáng lẽ đạt được nếu không có hành vi xâm phạm xảy ra.
  • Giá trị quyền tác giả sau khi hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra có thể đã chấm dứt hoặc chưa chấm dứt hành vi vi phạm.

Tổn thất về thu nhập, lợi nhuận, cơ hội kinh doanh

Thu nhập, lợi nhuận là lợi ích đáng lẽ chủ sở hữu quyền đã nhận được khi khai thác bình thường tác phẩm. Việc mất hay giảm lợi ích từ khả năng sử dụng của tài sản cũng là một loại thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra.

Các thiệt hại về vật chất khác

Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 204 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành gồm 2 nhóm:

  • Nhóm một là chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại bao gồm: chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi đối với hàng hóa xâm phạm, chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định.
  • Nhóm hai dùng để khắc phục thiệt hại. Chi phí thông báo, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng là một dạng chi phí khắc  phục thiệt hại, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Các chi phí này là phải phục vụ cho việc ngăn chặn, khắc phục thiệt hại đồng thời phải hợp lý mới thỏa mãn điều kiện được xem là một loại thiệt hại được bồi thường.

1.2.  Xác định thiệt hại về tinh thần do xâm phạm quyền tác giả.

Tổn thất về danh dự, nhân phẩm

Nhân phẩm là những phẩm chất tốt đẹp của con người nói lên giá trị tinh thần của một cá nhân với tính cách là một con người. Tổn thất tinh thần trong trường hợp này là sự đánh giá tiêu cực với nhiều mức độ khác nhau của xã hội về một hoặc nhiều khía cạnh nào đó về năng lực, đạo đức,… đối với chủ thể quyền tác giả. Từ đó làm hạ thấp danh dự và uy tín của họ.

Tổn thất về uy tín, danh tiếng

Uy tín, danh tiếng là giá trị phản ánh sự tin tưởng, mức độ nổi tiếng được nhiều người biết đến của chủ thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là sự giảm sút về mức dộ tín nhiệm, nổi tiếng, ảnh hưởng tích cực của chủ thể quyền tác giả đến công chúng liên quan đến quyền tác giả được bảo hộ.

Các tổn thất về tinh thần khác

Tổn thất đó có thể là lòng tin của tác giả bị mất đi khi hành vi xâm phạm xảy ra. Một tác phẩm nghệ thuật, được tạo ra từ tâm huyết và sự kỳ vọng nhằm mang đến giá trị mới cho công chúng, có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Điều này dẫn đến việc những mong đợi ban đầu giảm sút hoặc thậm chí bị mất đi, làm suy giảm lòng tin của các tác giả.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả

2. Ấn định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả

Việc ấn định mức bồi thường thiệt hại hại được quy định tại Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ chi tiết như sau:

2.1. Ấn định mức bồi thường thiệt hại về vật chất do xâm phạm quyền tác giả

Ấn định mức bồi thường thiệt hại về vật chất trên cơ sở thiệt hại xác định được

  • Dựa trên tổng thiệt hại vật chất: là tổng thiệt hại vật chất và khoản thu lợi nhuận bất hợp pháp của bị đơn thu được từ hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp đều có thể xác định bằng phương pháp này.
  • Dựa tên giá chuyển giao quyền sử dụng: Giá chuyển giao quyền sử dụng được tính trên cơ sở giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng theo hợp đồng sử dụng trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện. Được xác định theo một trong các cơ sở sau:
  • Khoản tiền phải trả nếu chủ thể quyền và người xâm phạm quyền tự do thỏa thuận, ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả đó.
  • Giá chuyển giao quyền sử dụng giả định được xác định theo phương pháp xác định số tiền mà bên có quyền và bên được chuyển giao có thể đã thỏa thuận vào thời điểm xảy ra xâm phạm, nếu các bên đã thỏa thuận với nhau về số tiền đó.
  • Giá chuyển giao quyền sử dụng được áp dụng trong lĩnh vực tương ứng nêu trong các thông lệ chuyển giao trước đó.
  • Theo cách tính khác do chủ thể quyền tác giả đưa ra: quy định này cho phép chủ thể quyền có thêm cơ hội ấn định mức bồi thường có lợi nhất cho mình ngoài các tính cố định trước đây. Tuy nhiên đây là một quy định khá mở và có khả năng bất cập khi áp dụng vào thực tiễn.

Mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định

Áp dụng trong trường hợp không thể ấn định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất cụ thể theo các căn cứ trên thì quy định mang tính chất dự phòng được áp dụng cho phép mức bồi thường do toàn án ấn định.

2.2. Ấn định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do xâm phạm quyền tác giả

Ấn định mức bồi thường thiệt hại dựa trên tổng thiệt hại về tinh thần

Mặc dù đã xác định được thiệt hại về tinh thần bao gồm tổn thất về danh dự, nhân phẩm, danh tiếng và các tổn thất khác nhưng liệu sự giảm sút các yếu tố này được tính thành bao nhiêu tiền thì chưa có cơ sở xác định vì đây đều là những yếu tố trừu tượng khó đánh giá được.

Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do Tòa án ấn định

Tại Khoản 2 Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ quy định quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu  đồng tùy thuộc vào mức thiệt hại. Do đó căn cứ vào tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần mà Tòa án ấn định mức bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên.

Trên đây là bài viết “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả” mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,