Trong bối cảnh nội dung số ngày càng trở nên phong phú và đa dạng, sự xuất hiện của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đã tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho hệ sinh thái sáng tạo. Những doanh nghiệp này không chỉ đóng vai trò là nền tảng phân phối mà còn nắm giữ trách nhiệm lớn lao trong việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan. Vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan như thế nào? Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.
1. Khái quát về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian
Tại khoản 1 Điều 198b Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.
Bên cạnh đó Nghị định số 17/2023/NĐ-CP cũng đã có định nghĩa về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại khoản 1 Điều 110 với sự liệt kê đầy đủ các dịch vụ của các loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Có thể thấy điểm chung của các dịch vụ được đề cập tại khoản 1 Điều 110 nghị định này chỉ được phép truyền đạt những nội dung nguyên bản giữa những cá nhân, tổ chức trên nền tảng mà họ cung cấp dịch vụ hay đơn giản hơn là họ cung cấp một không gian nền tảng trực tuyến cho những cá nhân, tổ chức nhằm mục đích thực hiện một số chức năng nhất định được quy định tại từng quốc gia.
Như vậy, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có thể hiểu là một pháp nhân cung cấp một hay nhiều dịch vụ nhằm tạo ra sự kết nối giữa người dùng trong việc trao đổi thông tin trên các nền tảng trực tuyến thông qua hệ thống các phương tiện kỹ thuật. Bên cạnh đó họ không được can thiệp vào việc chỉnh sửa nội dung thông tin được truyền tải trên không gian mạng.
2. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan
Tại khoản 2 và 3 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về thuật ngữ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả như sau:
2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
3. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan không chỉ là vấn đề công bằng và công lý mà còn là vấn đề kinh tế. Trong thời đại số hóa hiện nay việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trở nên phức tạp hơn do sự phát triển của công nghệ thông tin.
Dịch vụ trung gian được coi là cầu nối liên kết đưa thông tin và các tác phẩm văn học, tác phẩm biểu diễn, các bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng tới công chúng thông qua các công nghệ như dịch vụ viễn thông, internet, mạng xã hội,…. Qua đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian này luôn cần phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Một trong những đặc điểm nổi bật của không gian mạng đồng thời là một trong những yếu tố hấp dẫn của nó là sự ẩn danh của những người tương tác trên môi trường đó. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền nói riêng sự ẩn danh này gây khó khăn cho các chủ sở hữu quyền khi họ muốn bảo vệ quyền của mình, chủ thể hiện hữu rõ ràng nhất trên môi trường số có thể can thiệp chỉ là các daonh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Trong trường hợp xảy ra hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì các doanh nghiệp này là những bên đầu tiên có khả năng ngăn chặn hoặc tạo điều kiện cho hành vi vi phạm xảy ra với bản chất là bên góp phần tạo ra môi trường số.
Tuy nhiên hiện nay chưa có một định nghĩa chung nào về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian này trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan mà trách nhiệm này chủ yếu được xác định bởi các quy định pháp luật do chính phủ ở các quốc gia khác nhau thiết lập. Bản chất và mức độ trách nhiệm pháp lý của nó có thể khác nhau đáng kể giữa các quốc gia nhưng nhìn chung trách nhiệm pháp lý của nó trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan là sự chịu trách nhiệm và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến quản lý, giám sát và xử lý các hành vi xâm phạm nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của người dùng trên nền tảng của họ.
Hiện nay có ba truy trình phổ biến mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thường áp dụng để giải quyết các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan: “thông báo – gỡ bỏ”, “thông báo – thông báo”, “thông báo – ngăn chặn”. Những quy trình này đều đem lại hiệu quả thực thi và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan cũng như cho phép họ duy trì một môi trường trực tuyến an toàn và công bằng giữa người dùng với người dùng và người dùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.
Trên đây là bài viết “Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan”mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,