Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều văn bản như quyết định của cơ quan nhà nước như quyết định nâng lương, quyết định xử lý luật lao động, thông báo cuộc họp, thư mời cuộc họp… Căn cứ vào nội dung và hình thức của các văn bản đó, ta có thể phân loại nó thành văn bản hành chính. Vậy để tìm hiểu văn bản hành chính có phải là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả không, mời bạn đọc theo dõi bài viết của VCD.
1. Văn bản hành chính là gì?
Văn bản pháp luật (VBPL) do những chủ thể có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức theo pháp luật quy định, có nội dung là ý chí của nhà nước, mang tính bắt buộc và được đảm bảo bằng quyền lực của nhà nước. Văn bản pháp luật bao gồm ba nhóm văn bản là văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính. Mỗi nhóm trong hệ thống VBPL còn có một số nét đặc thù về nội dung, tính chất và vai trò trong quản lý nhà nước.
Văn bản hành chính có thể có nhiều loại, thường được chia thành những loại sau:
- Văn bản thường dùng để truyền đạt những nội dung và yêu cầu nào đó từ cấp trên xuống hoặc bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của cá nhân hay tập thể tới các cơ quan và người có quyền hạn để giải quyết.
- Văn bản mang tính thông tin quy phạm Nhà nước, cụ thể hóa việc thi hành văn bản pháp quy, giải quyết những vụ việc cụ thể trong khâu quản lý.
- Văn bản mang tính quy phạm hành chính nhà nước. Văn bản hành chính có nhiều vài trò khác nhau, có thể là thông báo, truyền đạt thông tin từ tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước này đến một hay nhiều tổ chức, cá nhân khác.
- Văn bản hành chính cũng có thể dùng để cụ thể hóa những văn bản pháp quy, giải quyết những công việc cụ thể trong quá trình quan lý, điều hành một cơ quan, tổ chức.
2. Văn bản hành chính có được bảo hộ quyền tác giả không?
Theo Điều 15 Luật SHTT quy định văn bản hành chính là một trong các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả, cụ thể:
“Điều 15. Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả
1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.”
Đối với từng đối tượng trong nhóm này sẽ được cụ thể hóa tại các văn bản có liên quan để có thể dễ dàng áp dụng. Một trong số đó là những văn bản hành chính được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 17/2023/NĐ-CP. Theo đó văn bản hành chính này bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Điều này có thể hiểu bởi những văn bản hành chính chứa đựng những quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc và được áp dụng trong những tổ chức mang tính quyền lực và một số đối tượng vi phạm về pháp luật hành chính… Bởi vậy, các văn bản hành chính sẽ không thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.